Mỹ đổi thái độ với Ấn Độ vì mối lợi từ dầu?

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới vào năm 2024.

Đây là kết quả được công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie công bố hôm 27/8 và CNBC dẫn lại.

Theo Wood Mackenzie, nhu cầu dầu của Ấn Độ có khả năng sẽ tăng 3,5 tỷ thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2035, chiếm khoảng một phần ba nhu cầu dầu toàn cầu.

Ngược lại, Trung Quốc, quốc gia hiện có lượng tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ cần ít dầu hơn trong tương lai. Quốc gia Đông Á này đã vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hồi năm 2017, nhưng ước đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2035, ông Sushant Gupta, giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie, cho biết.

Theo cảnh báo từ Wood Mackenzie, vì nhu cầu tăng nên tình trạng thiếu nhiên liệu đã xảy ra ở Ấn Độ. Dự kiến nước này chỉ có khả năng tăng công suất lọc dầu thêm 400.000 thùng/ngày vào năm 2023, ít hơn so với nhu cầu tăng trưởng.

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới

“Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ cần công suất lọc dầu ở mức từ 3,2 triệu đến 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035 để duy trì khả năng tự cung nhiên liệu vận tải. Tức là công suất của tương lai phải cao gấp từ 1,7 lần đến gấp đôi hiện nay.

Rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn, trừ khi các nhà máy lọc dâùtrong nước có thể cam kết bổ sung năng lực dự kiến của họ”, ông Sushant Gupta, Giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie nói.

Với tình hình các nhà máy lọc dầu trong nước vẫn nghiêng về phía sản phẩm diesel, Ấn Độ cần bắt đầu tập trung vào tăng sản xuất xăng. Tuy nhiên, vì lượng thặng dư xăng toàn cầu dự kiến vẫn tiếp tục trong dài hạn, Wood Mackenzie đề xuất Ấn Độ có thể xem xét nhập khẩu loại nhiên liệu này.

Nhu cầu dầu tăng cao của Ấn Độ chính là cơ hội lớn cho Mỹ. Vào năm 2015, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu mỏ, chính sách được áp dụng kéo dài kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.

Nắm bắt cơ hội này, các công ty năng lượng của Mỹ đã mở rộng sản xuất, xuất khẩu tới 1,1 triệu thùng mỗi ngày đến 37 quốc gia trong năm 2017.

Ngoài điểm đến truyền thống như Canada, dầu thô Mỹ cũng đang được xuất khẩu nhiều hơn tới châu Á, khu vực vốn được xem là thị trường chủ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.

Trung Quốc vốn là thị trường lớn thứ hai của dầu Mỹ xuất khẩu, tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu dầu Mỹ sau tháng 9 vì tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ là lựa chọn tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dầu của Mỹ.

Tuy nhiên, thời gian qua, quan hệ Mỹ-Ấn không mấy nồng ấm khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế cao hơn đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Đáp lại, Ấn Độ cũng tuyên bố áp thuế trả đũa lên nhiều mặt hàng của Mỹ.

Mới đây nhất, Washington tỏ ra lo ngại về việc Ấn Độ bằng mọi giá sẽ mua các hệ thống vũ khí mới của Nga, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Theo một đạo luật của Mỹ, bất cứ quốc gia thứ 3 nào giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo đều có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Bởi mối lợi xuất khẩu dầu, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ thay đổi thái độ với Ấn Độ.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-doi-thai-do-voi-an-do-vi-moi-loi-tu-dau-3364734/