Mỹ đòi trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế: Tại Putin?

Không phải ngẫu nhiên tháng 11/2017, một năm Nga rút khỏi Quy chế Rome, Công tố viên trưởng ICC đã tuyên bố sẽ điều tra tội ác của người Mỹ...,

Washington dọa trừng phạt ICC vì dám điều tra người Mỹ phạm tội ác

Reutres đưa tin, ngày 10/9 Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ sẽ bắt giam và trừng phạt các thẩm phán cũng như công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế nếu họ theo đuổi cuộc điều tra về hành động của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.

"Mỹ sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ công dân của nước mình tôi và công dân các nước đồng minh khỏi sự truy tố bất công của tòa án phi pháp này", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.

Ông Bolton nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ cấm các thẩm phán, công tố viên của ICC nhập cảnh Mỹ. Chúng tôi sẽ trừng phạt các quỹ của họ trong hệ thống tài chính Mỹ và sẽ truy tố họ trong hệ thống tội phạm theo luật pháp Mỹ".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton dọa trừng phạt ICC

Nhà chính trị Mỹ cảnh báo thêm: "Chúng tôi sẽ làm điều tương tự với bất cứ tổ chức hay quốc gia nào có sự hỗ trợ Tòa án Hình sự Quốc tế thực hiện việc điều tra công dân Mỹ".

Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton cho biết ông thay mặt Tổng thống Donald Trump để đưa ra những lời tuyên bố trên. Điều đó chứng tỏ đe dọa trừng phạt ICC là quan điểm của chính quyền Mỹ nhiệm kỳ 57.

Trước đó, vào tháng 11/2017, Công tố viên trưởng của ICC Fatou Bensouda tuyên bố định chế pháp lý quốc tế này sẽ điều tra "các tội ác chiến tranh liên quan đến những thành viên của các lực lượng vũ trang Mỹ".

Bà Bensouda còn tuyên bố "các cơ sở giam giữ bí mật ở Afghanistan được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ sử dụng và Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan cũng sẽ bị điều tra".

Hồi tháng 4 vừa qua, sau khi được bổ nhiệm, ông Bolton đã khẳng định: "Chúng tôi sẽ không hợp tác, không hỗ trợ ICC. Chúng tôi không gia nhập ICC. Chúng tôi sẽ để ICC tự sụp đổ. Thực ra, với chúng tôi ICC đã sụp đổ".

Giờ đây Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tiếp tục vô hiệu ICC: "Chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp tại HĐBA để kiềm chế quyền lực của ICC, để ICC không thể xét xử công dân Mỹ và công dân các nước đồng minh không phê chuẩn Quy chế Rome".

Thậm chí ông Bolton còn cho biết sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington vì lo ngại những nỗ lực của người Palestine trong việc kêu gọi ICC điều tra về tội ác của Israel.

Ngược dòng thời gian. Nhu cầu về một tòa án hình sự quốc tế đã được nhắc đến từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1872, ông Gustave Moynier, một người Thụy Sĩ, đã đưa ra ý tưởng này khi chứng kiến sự bạo tàn của cuộc chiến tranh Pháp- Phổ (1870 -1871).

Mỹ không cho ICC thể hiện là cán cân công lý

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, một ý tưởng đột biến như vậy bị xem là tấn công vào hệ thống chính trị vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa mẫu quốc và thuộc địa, nên đã không nhận được sự ủng hộ tích cực từ các quốc gia.

Phải gần 70 năm sau khi ông Gustave Moynier nêu ý tưởng về sự cần thiết của tòa án quốc tế, Đại hội đồng LHQ mới công nhận nhu cầu có một cơ chế thường xuyên nhằm truy tố những kẻ sát nhân và những tội phạm chiến tranh.

Điều đó được thể hiện qua việc tổ chức hai phiên tòa Nuremberg và Tokyo vào năm 1948 để xét xử những tội phạm của phát xít Đức-Ý và quân phiệt Nhật Bản trong thời Thế chiến II.

Từ thời điểm đó trở đi, nhiều điều ước quốc tế đã được xác lập, nghiêm cấm hành vi tội ác chiến tranh và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên những điều ước quốc tế lại không đưa ra đề xuất khả dĩ về một cơ chế quy kết trách nhiệm hình sự cho các cá nhân.

Trong khi thế kỷ XX đã chứng kiến mất mát lớn nhất của nhân loại. Chỉ 50 năm qua, đã có hơn 250 cuộc xung đột khắp thế giới, hơn 80 triệu người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã bị giết chết, hơn 170 triệu người bị tước đoạt quyền, tài sản và phẩm giá.

Chỉ khi Quy chế Rome về việc thành lập ICC được thông qua tại Hội nghị Ngoại giao LHQ diễn ra tại Rome từ 15/6 đến 17/7/1998, thì một định chế pháp lý quốc tế thường trực có thẩm quyền truy tố những kẻ vi phạm luật quốc tế mới hình thành.

Văn kiện được các đoàn đại biểu có mặt tại Hội nghị đồng ý thông qua trọn gói bằng hình thức bỏ phiếu kín, trong đó có 120 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống và đại diện 21 quốc gia không tham gia bỏ phiếu.

Theo Điều 4 của Quy chế Rome năm 1998 thì Tòa án Hình sự quốc tế có tư cách chủ thể luật quốc tế và có năng lực pháp lý để thực hiện các chức năng và những mục đích của mình.

Ngày 10/4/2002, có 10 quốc gia phê chuẩn Quy chế Rome và Quy chế này bắt đầu phát sinh hiệu lực từ ngày 01/7/2002 căn cứ theo Điều 126. Và đây cũng được cho là thời điểm ra đời của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Phiên tòa Nuremberg xét xử tội ác phát xít Đức

ICC là một thiết chế độc lập với các tòa án hình sự của các quốc gia, độc lập với LHQ. ICC có vị trí pháp lý độc lập với LHQ, có nguồn tài chính đảm bảo hoạt động là đóng góp của các thành viên chứ không phải từ LHQ.

Mỹ tham gia vào ICC dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, nhưng đến thời chính quyền Tổng thống George W. Bush thì rời khỏi định chế pháp lý này. Chính quyền Tổng thống Barack Obama dù hợp tác, song vẫn không đưa Mỹ trở lại ICC.

Tới thời Tổng thống doanh nhân Donald Trump thì Washington không những không có ý định đưa Mỹ quay trở lại ICC, mà còn có ý định trừng phạt ICC và được cho là tìm mọi cách vô hiệu hóa định chế pháp lý quốc tế này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-doi-trung-phat-toa-an-hinh-su-quoc-te-tai-putin-3365259/