Mỹ đóng giả T-72B3 huấn luyện chiến đấu

Trang Popular Mechanics vừa đăng tải những hình ảnh buổi huấn đặc biệt của lính Mỹ với mô hình xe tăng T-72B3 của Quân đội Nga.

Buổi huấn luyện được các binh sĩ thuộc Trung đoàn Kỵ binh số 2 của Mỹ đóng tại miền nam nước Đức đã cải tạo một số xe thiết giáp M113 để chúng có hình dáng giống xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 Nga nhằm phục vụ việc huấn luyện chiến đấu. Theo hình ảnh được công bố trên thao trường cho thấy, chiếc "T-72 phiên bản Mỹ" được lắp thêm một tháp pháo gắn pháo chính 125mm, cùng lớp giáp phản ứng nổ giả. Các chuyên gia cho biết tất cả thiết bị bổ sung này được làm từ nhựa, sợi thủy tinh và kim loại.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ chế tạo các vũ khí giống các nước khác để huấn luyện. Trước đó, không quân Mỹ từng sơn màu các tiêm kích F/A-18 giống chiến đấu cơ Su-34, Su-57 Nga hoặc sản xuất mô hình J-20 của Trung Quốc để binh sĩ làm quen và dễ dàng ứng phó với các tình huống giao tranh trong tương lai.

Và không phải ngẫu nhiên Mỹ lại chọn nhái hình ảnh những vũ khí, đặc biệt là với trường hợp T-72B3, bởi đây là dòng chiến tăng đang tiếp tục được Nga nâng cấp với một số đặc điểm riêng biệt khác hẳn với tất cả các loại xe tăng họ T-72 trước đây và biến chúng thành tăng chủ lực cùng với T-90. Cùng với T-72B3, Nga tiếp tục nâng cấp phiên bản này lên chuẩn mới T-72MBT với nhiều thay đổi quan trọng.

T-72MBT là mẫu nâng cấp mức độ sâu loại xe tăng chiến đấu chủ lực huyền thoại T-72 với việc hiện đại hóa hệ thống động cơ (sử dụng động cơ diesel mới 1.130 mã lực, hệ thống kiểm soát kĩ thuật số), hệ thống trinh sát; trang bị giáp ERA Kontakt-5 mới, được bố trí lắp đặt tương tự như xe tăng T-90A.

Phiên bản nâng cấp của T-72B3 được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực mới, hệ thống máy tính cho phép kíp xe giảm thời gian tính toán số lần bắn và cải thiện độ chính xác của pháo 125mm. T-72MBT cũng được trang bị khả năng chiến đấu trong cả ngày lẫn đêm, với mọi điều kiện thời tiết.

Tổ hợp vũ khí của cỗ tăng này có những thay đổi nhỏ. Tháp pháo 2A46-5 có khả năng tự động nạp đạn, được sửa đổi nhỏ về thiết kế để sử dụng được nhiều loại đạn dược mới. Quy trình bắn lúc này được tự động hóa và làm tăng đáng kể độ chính xác. Ngoài ra, xe tăng nâng cấp được trang bị tháp pháo mở để được trang bị thêm hệ thống súng máy phòng không NSV. Hệ thống súng máy có thể điều khiển từ xa, nhờ đó tổ lái không phải mở nắp khoang chiến đấu để điều khiển súng này, tránh được thương vong.

Phiên bản mới được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực mới, trong đó có bao gồm hệ thống ngắm bắn đa kênh trong mọi thời gian. Với hệ thống này, xe tăng có thể phát hiện và nhận diện mục tiêu ở khoảng cách 5km tại bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, xe được trang bị một computer tính toán đường đạn kỹ thuật số dựa trên tập hợp thông số từ bộ cảm biến điều kiện khí tượng và địa hình. Hệ thống máy tính cho phép kíp xe giảm thời gian tính toán số lần bắn và cải thiện độ chính xác của pháo nòng trơn 125mm.

Hệ thống điều khiển vũ khí mới đảm bảo xác suất tiêu diệt mục tiêu rất cao bằng các tên lửa phóng qua nòng pháo kể cả trong khi xe đang đứng yên hoặc đang chuyển động ở khoảng cách đến 5 km. Đồng thời, hệ tự động bám bắt mục tiêu làm giảm thao tác của các pháo thủ. Xe tăng được trang bị kính ngắm đa kênh mới Sosna-U, cho phép xạ thủ xác định mục tiêu bằng kênh quang học và ảnh nhiệt, mang lại khả năng chiến đấu trong cả ngày lẫn đêm, với mọi điều kiện thời tiết.

Tổ hợp bên ngoài của Sosna-U được đặt bên trong hộp kim loại nhẹ bảo vệ kính khỏi bụi và mảnh đạn. Sosna-U còn được trang bị máy đo khoảng cách bằng laser và hệ thống điều khiển tên lửa chống tăng. Như vậy, chỉ sử dụng một thiết bị xạ thủ có thể thực hiện nhiều chức năng trong tác chiến. Ngoài ra, xe tăng còn được trang bị hệ thống thông tin liên lạc kỹ thuật số và có thể được điều chính thiết kế để lắp đặt các hệ thống bảo vệ chủ động hiện đại hơn, khiến phiên bản tăng nâng cấp T-72MBT có thể cạnh tranh với các loại xe tăng tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Với loạt các thiết bị mới, T-72MBT được đánh giá thực sự là một mẫu tăng kết hợp hài hòa giữa giá cả và tính năng kỹ chiến thuật khiến nó có năng lực tác chiến ngang ngửa so với T-90A và các dòng tăng chủ lực phương Tây như Leopard 2A6, M1 Abrams, hay Type 99 Trung Quốc. Ảnh trong bài: Mỹ huấn luyện với mô hình tăng T-72B3. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-dong-gia-t-72b3-huan-luyen-chien-dau-3375907/