Mỹ đưa kho Tomahawk áp sát Iran

Theo USNI News, ngày 16/5, Hải quân Mỹ đã điều 2 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Gonzalez và USS McFaul đi qua eo biển Hormuz.

Kho Tomahawk đến sát Iran

Thông tin này được vị đại diện Hải quân Mỹ cho biết hành trình của nhóm tàu chiến diễn ra bình thường, không gặp "sự thách thức hay quấy rối" nào từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Sự xuất hiện của hai chiếc khu trục hạm giúp tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng biển phía nam Iran.

Eo biển Hormuz - nơi 2 tàu chiến Mỹ vừa đi qua.

Hiện Mỹ đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln ngoài khơi Oman, trong khi tàu đổ bộ tiến công USS Kearsarge xuất hiện gần bờ biển UAE. Phi đội oanh tạc cơ chiến lược B-52 đóng quân tại Qatar cũng vừa hoàn thành chuyến huấn luyện đầu tiên hôm 12/5 cùng tiêm kích tàng hình F-35A và chiến đấu cơ hạng nặng F-15C.

Giới chuyên gia nhận định việc USS Gonzalez và USS McFaul di chuyển tự do qua eo biển Hormuz là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang hạ nhiệt.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan rằng ông không muốn gây chiến với Iran, đồng thời yêu cầu các cố vấn không để căng thẳng Washington - Tehran vượt quá tầm kiểm soát và trở thành xung đột quân sự.

Mặc dù căng thẳng Mỹ - Iran đã hạ nhiệt nhưng theo truyền thông Tehran, việc Mỹ bất ngờ điều 2 chiến hạm đi qua eo biển Hormuz được coi là hành động thử phản ứng của Iran và mang tính răn đe rõ ràng bởi số vũ khí cực lớn cả 2 chiến hạm này mang theo.

USS Gonzalez và USS McFaul đều thuộc lớp Arleigh Burke - dòng chiến hạm mạnh nhất hiện này của Hải quân Mỹ.

Theo thiết kế, tàu Arleigh Burke được trang bị 96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Việc bố trí phân tán vũ khí đảm bảo tàu khu trục có thể duy trì hỏa lực khi một hệ thống bị trục trặc hoặc một khu vực trên tàu bị tấn công. Đặc biệt, để tăng cường khả năng tấn công, tên lửa Tomahawk có thể được triển khai trong tổng số 96 ống phóng này.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, khu trục hạm này còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm.

Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Chiến hạm mang tên lửa dẫn đường Mỹ.

Báo Arab News kích động

Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran có dấu hiệu hạ nhiệt thì truyền thông Saudi Arabia lại hô hào và kêu gọi Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình vào Tehran nhằm đáp việc "Iran tấn công tàu chở dầu" như cáo buộc của Mỹ trước đó.

Tờ Arab News cho rằng: "Những cuộc tấn công nhằm vào tàu vận tải và ống dẫn dầu đều nhằm phá hoại nền kinh tế thế giới. Không thể cho phép Tehran đe dọa sự ổn định toàn cầu bằng những hành động như vậy. Bước đi phù hợp tiếp theo sẽ là các đợt tấn công phẫu thuật nhằm vào Iran".

Arab News khẳng định Mỹ đã tạo nên tiền lệ cho hành động như vậy khi mở hai đợt không kích bằng tên lửa hành trình vào lãnh thổ Syria nhằm đáp trả cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học.

"Saudi Arabia đã nhiều lần cảnh báo các lãnh đạo thế giới về mối đe dọa từ Tehran, không chỉ với Riyadh và Vùng Vịnh mà còn trên toàn thế giới. Cần có biện pháp răn đe để Iran hiểu rằng họ không thể tùy ý hành động", tờ báo nhận xét.

Được biết, thuật ngữ "tấn công phẫu thuật" được báo Saudi Arabia dùng để chỉ các đòn tập kích nhằm vào mục tiêu quân sự đối phương, sử dụng vũ khí có độ chính xác cao như tên lửa hành trình và bom dẫn đường để hạn chế tối đa thiệt hại ngoài ý muốn với dân thường và cơ sở hạ tầng.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dua-kho-tomahawk-ap-sat-iran-3380231/