Mỹ-Đức đối đầu tại Hội nghị Munich: Mỹ đã mất châu Âu?

Thủ tướng Đức Merkel và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra hai bài phát biểu được giới quan sát ghi nhận 'ngày càng xa nhau'.

Hội nghị An ninh Munich (MSN) lần thứ 55 khai mạc tại thành phố Munich của Đức với nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự là cải tổ trật tự thế giới. MSC 2019 lần này đã quy tụ những lãnh đạo nhà nước và chính phủ cùng các nhân vật có uy tín khác trong giới chính trị và an ninh thế giới.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có một bài phát biểu được đánh giá là "đầy nhiệt huyết và đam mê" liên quan đến lập trường của Mỹ đang làm bất ổn nhân rộng mang tính quy mô toàn cầu.

"Rời Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tên lửa tầm trung INF, một quyết định sai lầm của ông Donald Trump. Châu Âu không thể chấp nhận được việc này. Ông Trump đã làm việc đó mà không cần để ý rằng chúng tôi (các nước châu Âu) ngồi ở giữa và hứng chịu mọi hậu quả" - bà Merkel nhấn mạnh.

Bài hùng biện của bà Merkel tại Hội nghị an ninh Munich 2019

Với hệ thống đường ống Nord Stream 2 và hợp tác khí đốt với Nga, bà Merkel đưa ra chỉ trích: "Chúng tôi đã nhập một lượng lớn khí đốt của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh. Tôi không biết tại sao bây giờ Mỹ đánh giá điều đó tồi tệ hơn cả thời điểm căng thẳng nhất trong lịch sử đó?

Chúng ta có muốn làm cho Nga ngày càng phụ thuộc và sát cánh với Trung Quốc hay không? Đó có phải là lợi ích chung của châu Âu hay không? Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta không thể cắt đứt mọi quan hệ với Nga, bất chấp việc những năm gần đây, mối quan hệ đó có chiều hướng xấu đi".

Liên quan đến vấn đề Iran và Trung Đông, bà Merkel phát biểu: "Washington lên kế hoạch nhanh chóng rút quân khỏi Syria nhưng không hề tham vấn ý kiến của chúng tôi - những người đã kề vai sát cánh chống khủng bố với họ. Điều này giúp Nga và Iran tăng cường vai trò của hai nước này trong khu vực.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran là Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA. Liệu bằng cách làm này, chúng ta có thể giúp cho mục tiêu chung là kiềm chế các mối nguy từ Iran hay không?"

Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Đức, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có một bài hùng biện đối đáp lại với bà Merkel. "Đã đến lúc người châu Âu rời bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chế độ Iran công khai ủng hộ các hoạt động mang tính thảm sát, và họ tìm mọi cách để đạt được nó, cần phải có sự trừng phạt đích đáng thay vì ủng hộ và dung dưỡng nó".

Bài diễn thuyết của Phó Tổng thống Mỹ không nhận được sự ủng hộ từ những người tham gia Hội nghị

Với vấn đề của châu Âu, ông Mike Pence khẳng định vai trò của NATO cần phải gia tăng và sẵn sàng trước các thách thức từ phía Nga. "NATO cần phải có sự cảnh giác cao nhất. Đáng buồn thay, những người đồng minh của Mỹ đang ngày ngày làm ăn với đối thủ chung và cho đó là điều bình thường. An ninh của nước Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi chính những hành động như vậy".

Giới quan sát có mặt tại hội nghị MSN 2019 này cho biết, đã có khác biệt rất lớn giữa Đức và Mỹ. Điều đáng chú ý, những người ngồi trong khán phòng đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay hưởng ứng bài phát biểu của bà Merkel. Chỉ có đại diện của Nga, Trung Quốc và con gái Tổng thống Mỹ Ivanka Trump vẫn ngồi yên.

Trong khi ông Pence kết thúc phần của mình, một sự im lặng đáng sợ bao trùm toàn bộ khán phòng. New York Times đánh giá đây là một không khí "mâu thuẫn đến khó xử".

New York Times nhận xét: "Trái ngược với bài phát biểu hướng ngoại nhìn xa trông rộng của bà Merkel, ông Pence chỉ đưa ra những lời bào chữa cho chính sách của ông Trump. Điều này chỉ gây ra sự hoại nghi.

Hai bài phát biểu là một lời nhắc nhở về việc châu Âu và Mỹ đã cách nhau bao xa về một loạt các vấn đề toàn cầu. Dường như họ đang nhìn nhau với con mắt nghi kỵ và đề phòng nhiều hơn. Châu Âu đã không còn ở bên Mỹ".

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-duc-doi-dau-tai-hoi-nghi-munich-my-da-mat-chau-au-3374736/