Mỹ, Đức từng do thám đồng minh?

Ngày 11-2, truyền thông phương Tây đồng loạt phanh phui vụ tình báo Mỹ và Đức đã thu thập thông tin tối mật của chính phủ nhiều nước trên thế giới, kể cả đồng minh, trong nhiều thập niên thông qua việc kiểm soát ngầm công ty Crypto AG.

Crypto AG là nhà cung cấp thiết bị mã hóa các cuộc liên lạc hàng đầu cho khoảng 120 quốc gia trong giai đoạn từ sau Thế chiến thứ hai cho đến đầu thế kỷ này. Tuy nhiên, điều các khách hàng không hay biết là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) đã bí mật đồng sở hữu công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ này.

 Ảnh: DW

Ảnh: DW

Theo tiết lộ của báo Washington Post, các đài truyền hình ZDF và SRF, CIA và BND đã sử dụng thiết bị của Crypto để có thể dễ dàng giải mã và đọc tin nhắn của chính phủ các nước. Dựa trên ghi chép nội bộ về chiến dịch tình báo của CIA và BND mang tên “Rubicon”, các báo đài cho rằng những điểm yếu trong khả năng mã hóa được “nhét” vào các sản phẩm Crypto bán ra đã giúp hai tổ chức này nghe trộm đối phương và cả đồng minh, trong khi cũng thu về hàng triệu USD từ những thương vụ trên.

Chiến dịch “Rubicon” cho thấy giá trị tình báo đồ sộ từ việc cài lỗi vào các thiết bị liên lạc được bán rộng rãi. Chẳng hạn như ở giai đoạn đỉnh điểm, chiến dịch đã tạo lợi thế tình báo to lớn cho Mỹ. Khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đón tiếp tại Trại David vào năm 1978 để đàm phán về hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel, Washington lúc đó đã có thể theo dõi mọi cuộc trao đổi của ông Sadat với Cairo.

Iran cũng là khách hàng của Crypto, nên CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể do thám chính phủ ở Tehran trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979. Tình báo xứ cờ hoa cũng đã nghe lén phản ứng của các quan chức Libya liên quan vụ đánh bom tại một hộp đêm ở Berlin (Đức) vào năm 1986. Theo ghi chép nội bộ của CIA, Mỹ từng chuyển các cuộc liên lạc bị đánh chặn về kế hoạch quân sự của Argentina cho Anh trong cuộc chiến giành quần đảo Falklands giữa hai nước này hồi năm 1982. Điều đó có thể hiểu Mỹ đã khai thác sự lệ thuộc của Argentina vào các thiết bị mã hóa mua từ Crypto. Được biết, Trung Quốc và Liên Xô cũ không mua các máy mã hóa của Crypto, do nghi ngờ nguồn gốc của hãng này.

Crypto được thành lập bởi doanh nhân gốc Nga Boris Hagelin. Rời khỏi Thụy Điển, ông này chạy sang Mỹ hồi năm 1940 khi phát-xít Đức chiếm đóng Na Uy. Sau chiến tranh, Hagelin chuyển đến Thụy Sĩ và bắt đầu sản xuất các máy mã hóa hiện đại hơn, khiến gián điệp Mỹ lo ngại chúng sẽ cho phép chính phủ các nước khác che đậy những cuộc liên lạc. Đến năm 1970, CIA và BND đồng ý mua lại Crypto với giá 5,75 triệu USD, song do sợ bị bại lộ nên cơ quan tình báo Đức đã bán cổ phần công ty cho phía Mỹ hồi đầu thập niên 1990. CIA tiếp tục sử dụng Crypto như một công ty bình phong cho đến năm 2018 thì bán các tài sản công ty cho hai hãng tư nhân.

Trong phản ứng của mình, Crypto AG tuyên bố những thông tin trên gây hoang mang dư luận, trong khi cả CIA và BND chưa đưa ra bình luận. Hôm 11-2, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ đã mở cuộc điều tra đối với Crypto sau khi xuất hiện những cáo buộc chấn động.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Guardian)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-duc-tung-do-tham-dong-minh-a118129.html