Mỹ dùng Chấm Xanh đối trọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thúc đẩy kế hoạch Blue Dot để chống lại ảnh hưởng dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng nó chậm và còn quá non nớt.

Một kế hoạch do Mỹ lãnh đạo để chống lại sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, dù đã 6 năm trôi qua kể từ khi Bắc Kinh công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn của họ với sự phô trương mạnh mẽ, Nikkei Asia Review cho biết.

Mỹ, Nhật Bản và Australia đã công bố dự án Blue Dot (Chấm Xanh) tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok, Thái Lan vào đầu tháng này. Kế hoạch này không nhằm mục đích trở thành một nguồn cung cấp tài chính, thay vào đó, nó sẽ đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn được đặt ra bởi ban chỉ đạo chính phủ, các tổ chức tài chính tư nhân.

Các dự án đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng nhận Blue Dot, tạo nên một bản đồ toàn cầu về các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng. Tập đoàn đầu tư nước ngoài của Mỹ (OPIC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ là thành viên của ban chỉ đạo, một số thành viên khác sẽ được công bố trong vài tuần tới.

“Tôi chắc chắn rằng vào năm 2020, bạn sẽ thấy các dự án được cấp chứng nhận Blue Dot trên toàn cầu”, David Bohigian, chủ tịch OPIC nói.

Quá chậm so với Trung Quốc

Blue Dot cũng sẽ hợp tác với bên thứ 3 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, được công bố một năm trước. Nhưng kế hoạch vẫn chưa đặt bất kỳ dự án quan trọng nào dưới cái ô bảo trợ của nó.

Lãnh đạo các nước tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo các nước tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2017. Ảnh: Reuters.

Hệ thống Blue Dot vẫn còn quá non trẻ và có rất nhiều thứ cần bắt kịp, vì nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin đã nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.

“Chính quyền Tổng thống Donald Trump không giấu giếm mong muốn chống lại ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng 4 năm trong chính quyền là khá muộn với cuộc chơi”, Daniel Russel, cố vấn cao cấp về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường được đưa ra như một chiến lược địa chính trị lớn, các nước tham gia Blue Dot khẳng định rằng nó không phải là một sáng kiến chính phủ, thay vào đó, Blue Dot do khu vực tư nhân dẫn đầu.

“Chính phủ Mỹ không phải là mô hình hiệu quả cho các công ty tư nhân và trực tiếp gây ảnh hưởng tới chính sách. Không giống như Trung Quốc, Mỹ không có truyền thống về nền kinh tế chỉ huy”, ông Russel nói.

Blue Dot có thể đóng vai trò trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và phối hợp các mối quan hệ đối tác tư nhân mà các công ty Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thiết lập trước đây.

Khó trở thành một đối trọng

“Sẽ không dễ dàng cho hình thức hợp tác này để mở rộng quy mô theo cách nó sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng kể cho Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ Nhật Bản, một mình đã trở thành nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất Đông Nam Á”, Elizabeth C. Economy, thành viên cao cấp về nghiên cứu châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CRF) nói.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Dù kế hoạch Blue Dot không kèm theo bảo đảm tài chính, đại diện JBIC nói với Nikkei Asia Review, rằng ban chỉ đạo sẽ thảo luận về đóng góp tài chính trong tương lai, một động lực cho các nước đang phát triển tham gia kế hoạch.

Một số chuyên gia nói rằng các nước chủ chốt cần tài trợ nhiều hơn một cơ chế chỉ cấp chứng nhận. Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp phụ trách khu vực Đông Nam Á của CRF cho biết chắc chắn không có gì xấu khi có một kế hoạch mới, nhưng đó là vấn đề thứ yếu với hầu hết quốc gia.

Ngay cả khi đưa ra các đề xuất dự án bền vững về nợ, môi trường và tác động xã hội, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mất gói thầu trước những lời đề nghị ít tốn kém và dễ dàng của Trung Quốc.

Bản đồ khu vực ảnh hưởng của dự án Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Đồ họa: China Road Project.

Các dự án được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đều kèm theo các điều kiện về chống tham nhũng, đánh giá tính khả thi, mà các nhà hoạch định của chính phủ nước được đầu tư thường thiếu chuyên môn và nguồn lực để sản xuất.

“Người Trung Quốc đang đến với các dự án kiểu trọn gói, bao gồm tài trợ và đào tạo, không ai khác có thể làm điều đó”, ông Russel nói về sự hấp dẫn của Vành đai và Con đường.

Thay vì cơ chế cấp chứng nhận, ông Russel cho rằng Mỹ nên giúp các chính phủ chủ nhà phát triển khả năng xem xét các đề xuất cơ sở hạ tầng và đàm phán thỏa thuận tốt hơn.

Blue Dot có thể được hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng tăng về các quốc gia như Sri Lanka và Tajikistan vướng vào bẫy nợ của Trung Quốc từ dự án Vành đai và Con đường.

“Nhiều quốc gia đang xem xét kỹ lưỡng và đặt câu hỏi về tính bền vững khi tham gia các dự án Vành đai và Con đường của họ. Điều này tạo ra một tùy chọn cho việc xem xét các lựa chọn thay thế cho những dự án do Trung Quốc lãnh đạo”, bà Economy nói.

Tuy nhiên, khi Blue Dot vẫn trong giai đoạn hình thành, Bắc Kinh không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa. “Bạn không thể đánh bại một cái gì đó khi mà trong tay bạn chưa có gì”, ông Russel kết luận.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/my-dung-cham-xanh-doi-trong-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-post1016567.html