Mỹ dùng đặc nhiệm và căn cứ mật uy hiếp Nga

Mỹ vừa lộ thêm một số căn cứ mới tại Estonia nằm trong chuỗi những căn cứ quân sự dùng để đối phó Nga tại châu Âu.

Đài truyền hình ERR của Estonia tiết lộ, họ đã phát hiện ra sự tồn tại một căn cứ quân sự bí mật của Mỹ tại nước này, nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành luyện tập và tham gia cùng với các đồng nghiệp Mỹ còn có các binh sỹ Estonia.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc đã dành 15 triệu USD để duy trì một căn cứ ở Estonia. Đây được cho là căn cứ bí mật hàng đầu của Mỹ bắt đầu được xây dựng năm 2014, để huấn luyện các binh sỹ lực lượng đặc nhiệm.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

"Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Estonia đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy đặc nhiệm châu Âu tại Stuttgart. Nghĩa là, họ tuân thủ quyền chỉ huy của Lực lượng Vũ trang Mỹ, thông qua bộ chỉ huy ở châu Âu", viên sĩ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm châu Âu Kevin Stringer cho biết.

Tuyên bố của Quân đội Mỹ còn cho biết thêm, trong những "thời điểm khủng hoảng", các binh sỹ đặc nhiệm Mỹ sẽ báo cáo trực tiếp với Bộ Chỉ huy ở Washington. Theo lời ông Stringer, hiện đang diễn ra hoạt động huấn luyện kết hợp giữa lực lượng đặc nhiệm Mỹ với đặc nhiệm Estonia.

Được biết, những căn cứ với sự đồn trú của đặc nhiệm Mỹ được ERR tiết lộ nằm trong hàng trăm căn cứ Mỹ xây dựng vây quanh Nga. Nguồn tin này cho biết, Washington đã buộc phải xem xét lại kế hoạch tác chiến trong trường hợp xảy ra xung đột tại châu Âu sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình.

Xuất phát từ thuyết âm mưu Moscow hậu thuẫn các nhóm lí khai gây hấn ở Ukraine và những lo ngại về an ninh của các nước cộng hòa Baltic vốn có chung đường biên giới với Nga, Lầu Năm Góc đã quyết định tăng cường sự hiện diện không quân ở châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đưa ra tín hiệu rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Trump, Nga vẫn nằm trong số các nước có thể là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ.

Hiện nay, Mỹ có khoảng 800 căn cứ quân sự ở tất cả các châu lục, đồn trú rải rác tại 80 quốc gia trên toàn thế giới, chiếm 95% tổng số đơn vị triển khai đồn trú bên ngoài lãnh thổ của toàn thế giới, tức là tất cả các quốc gia khác cộng vào mới được hơn 30 căn cứ.

Các chuyên gia lưu ý rằng nếu xét cả theo khía cạnh không chính thức, thực tế là quân nhân Mỹ đang có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là số lượng quốc gia mà Mỹ hiện diện còn lớn hơn cả số lượng thành viên của một số tổ chức quốc tế có uy tín.

Theo số liệu chính thức của Lầu Năm Góc, hiện nay, tổng số lượng nhân viên dân sự và quân sự Mỹ trên toàn thế giới là 3.002.375 người, con số này trên lãnh thổ Mỹ là 2.751.146 người, số lượng nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở nước ngoài là 251.229 người.

Năm căn cứ quân sự lớn nhất thế giới cũng là của Mỹ, đó là căn cứ Fort Campbell (424,9 km2), Fort Bragg (659,6km2), Fort Benning (736,5 km2), Fort Hood (869,9 km2), Lewis-McCord (1675,4 km). Những căn cứ này còn lớn hơn cả một số quốc gia trên thế giới.

Thế nhưng, chính phủ hiện nay của ông Donald Trump không tìm cách giảm số lượng căn cứ, mà trái lại, đang xây dựng thêm, ví dụ như ở Argentina, Colombia; nhưng chủ yếu vẫn là ở các nước đồng minh châu Âu thuộc khối NATO.

Theo số liệu công khai, xung quanh nước Nga hiện có hơn 400 căn cứ và các cứ điểm đóng quân khác nhau của Mỹ-NATO, ví dụ như Đức có tới 172 căn cứ quân sự Mỹ. Những căn cứ này lập thành một vòng vây chặt chẽ, đang siết chặt quanh nước Nga.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dung-dac-nhiem-va-can-cu-mat-uy-hiep-nga-3387008/