Mỹ Dũng với 'biển trong chúng ta'

Chiều 19-10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng diễn ra buổi khai mạc Triển lãm 'Biển trong chúng ta' của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng.

NSNA Mỹ Dũng tại Triển lãm.

Việt Nam, đất nước nằm ven theo chân sóng, đi dọc hơn 3.000 km bờ biển là những cộng đồng cư dân có lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời… gắn liền với biển. Biển trong ảnh của Mỹ Dũng là hình ảnh quen thuộc của bao thế hệ người dân Việt từ thăm thẳm những ngày mở nước, thuở Âu Cơ và Lạc Long Quân chia nhau lên rừng xuống biển đến tận bây giờ… Biển trong mỗi chúng ta là một khái niệm rộng, đa chiều và ăn sâu vào tâm thức cộng đồng người Việt nên khi xem các tác phẩm của Mỹ Dũng, ta như gặp đâu đó những mảnh ghép đã thấm mặn trong tâm trí của mình. Những ghi chú địa danh dọc đất nước đã hiện lên một hành trình vừa nhọc nhằn vừa giàu cảm xúc của người nghệ sĩ vốn là người con làng chài Thọ Quang, Đà Nẵng.

Nụ cười được mùa ở làng cá Nam Ô.

Hình ảnh những chiếc thuyền dài, những chiếc thuyền thúng, những làng chài Nam Ô, Thuận Phước… nằm gối mình lên sóng tưởng như ngủ quên trong tiếng ru của biển. Những khu đền đài, nhà thờ, lăng tẩm của các làng chài đưa ta hướng về thế giới tinh thần của cộng đồng cư dân ven biển vốn rất sâu nặng và đan xen vào đó là hình ảnh con người lao động… Hạnh phúc của người dân biển trong ảnh Mỹ Dũng hết sức đơn giản và hồn nhiên… Xem ảnh chúng ta gặp tràn ngập những nụ cười hồn nhiên của ngư dân khi vá lưới, nụ cười mãn nguyện lúc được mùa, nụ cười hồn hậu khi chia tay vợ con trước chuyến đi, nụ cười thân thiện khi chia sẻ việc nghề… Những nụ cười thật đẹp và tươi tắn trên những gương mặt đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Hướng ra phía biển, nụ cười của người đàn ông làng biển đầy tự tin, vững chãi, át đi những mưa rền sấm động, làm dịu bão giông trong những chuyến khơi xa. Hướng vào làng mạc, những nụ cười của người phụ nữ làm vơi đi những âu lo, chờ đợi, chia sẻ nhau những vất vả đời thường… Rồi ta lại bắt gặp những đường nét nâu đằm của làn da rám nắng, màu thô mộc của những chiếc nón lá đi qua nắng mưa, vết khô mồ hôi muối còn đọng trên những chiếc áo bạc màu… tất cả đã tôn lên vẻ đẹp rạng ngời của những nụ cười bất tận đi qua năm tháng.

Vá lưới ở Ninh Thuận.

Ảnh của Mỹ Dũng cũng mang đậm dấu tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân liên quan nghề biển. Ngư dân là một trong những bộ phận có đời sống tín ngưỡng phong phú và đa dạng nhất trong cộng đồng người Việt. Các tác phẩm cho chúng ta thấy cuộc đời của ngư dân gắn bó với biển, biển là nơi cho họ cuộc sống, áo cơm nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hành trình kiếm sống. Vì thế, ứng xử với biển cả trong đời sống vật chất và tinh thần là ứng xử gần như xuyên suốt của người dân biển… Những hình ảnh gợi cho ta thấy cảm giác con người vô cùng nhỏ bé trước đại dương hùng vĩ. Một số bức ảnh thể hiện rõ nét thế giới tâm linh, ngoài chuyện thờ tự ông bà cha mẹ, những người thuộc thế hệ trước, ngư dân biển còn để cả niềm thành kính của mình dành cho biển và những gì thuộc về biển. Tục thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư, lễ hạ thuyền, rước thuyền… và nhiều sinh hoạt tín ngưỡng đa dạng khác bắt nguồn từ tâm thức đó đã được Mỹ Dũng thể hiện một cách sinh động và dung dị qua các tác phẩm trưng bày.

Chợ cá xã Tam Tiến Núi Thành.

Có thể thấy, Triển lãm “Biển trong chúng ta” của NSNA Mỹ Dũng với những góc máy ấn tượng, độc đáo, việc lựa chọn chi tiết và nội dung tác phẩm cho thấy tình cảm trân trọng của người cầm máy. Phải yêu những làng biển căng mình trong gió cát, phải quý mến những ngư dân tâm hồn chất phác, cởi mở mới có thể chụp được những tác phẩm đẹp và ấn tượng đến vậy. Triển lãm đã mở ra cho người xem một thế giới phong phú, huyền ảo về giấc mơ, về cuộc sống ấm no, về những mong đợi an bình và những khát vọng về lẽ phải, công bằng bao đời… của người dân làng biển.

Nụ cười trẻ thơ ở Liên Chiểu.

HIỀN MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_197022_my-dung-voi-bien-trong-chung-ta-.aspx