Mỹ ép Nga chấp thuận trung chuyển khí qua Ukraine?

Hành động của Mỹ chỉ nhằm ép Nga phải nhượng bộ, giúp Ukraine đạt được thỏa thuận trung chuyển khí đốt có lợi hơn mà thôi.

Thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về trung chuyển khí đốt sang châu Âu có thể hoàn tất ngay trong những ngày nghỉ cuối tuần. Đây là ý kiến của Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn của trang tin RBK.

Trước đó, Giám đốc Gazprom Alexei Miller cho biết khối lượng trung chuyển khí qua Ukraine vào năm 2020 sẽ lên tới 65 tỷ mét khối và mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024, lượng khí chảy qua Ukraine sang châu Âu sẽ đạt công suất 40 tỷ mét khối/năm.

Thỏa thuận này cũng quy định từ bỏ các khiếu nại mới, rút các yêu cầu bồi thường và thanh toán khoảng 2,9 tỷ đô la theo quyết định của Tòa án Trọng tài Stockholm. Gazprom và Naftogaz cũng sẽ ký thỏa thuận về việc giải quyết các khiếu nại lẫn nhau theo các hợp đồng hiện có.

Với Kiev, công ty Nga sẽ ký thỏa thuận hòa giải để rút lại yêu sách của ủy ban chống độc quyền Ukraine.

Theo Bộ trưởng Novak, các đơn vị có liên quan của hai bên bao gồm Gazprom (Nga), Naftogaz và Cơ quan điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine đã làm việc rất tích cực để soạn thảo văn bản thỏa thuận liên điều hành, trong đó ghi rõ những điều kiện phối hợp hoạt động của các hệ thống vận chuyển khí đốt, và một thỏa thuận vận chuyển.

Trang tin dẫn lời của Bộ trưởng cho biết, dự tính các công ty của hai bên sẽ hoàn tất những văn bản này vào dịp nghỉ cuối tuần.

Ông lưu ý rằng, khối lượng trung chuyển 40 tỷ mét khối ghi trong nghị định là phương án mang tính thỏa hiệp, bởi vì Kiev đề xuất một thời hạn hợp đồng dài hơn và khối lượng bơm khí nhiều hơn, đồng thời trong trường hợp cần thiết khối lượng này có thể tăng lên.

Kiev lo sợ Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là sự cáo chung của tuyến đường ống qua Ukraine

Kiev lo sợ Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là sự cáo chung của tuyến đường ống qua Ukraine

Theo ông Novak, Nga cũng sẵn sàng tham gia vào việc hiện đại hóa hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine. Từ thời Tổng thống Leonid Kuchma trước đây cũng đã có một số thỏa thuận giữa hai nước theo hướng này, tuy nhiên vấn đề đó hiện nay chưa được thảo luận chi tiết.

Được biết, những thông tin tích cực về đàm phán trung chuyển khí đốt giữa Nga với Ukraine diễn ra trong bối cảnh, vào ngày 20 tháng 12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký luật về ngân sách quân sự cho năm tới, trong đó ngoài các mục khác, có phần về biện pháp trừng phạt chống dự án “Dòng chảy phương Bắc – 2”.

Theo đó, Mỹ tuyên bố sẽ thu giữ tài sản ở Hoa Kỳ của các công ty có liên quan hoặc trực tiếp thi công công trình này và đóng băng khoản có tài chính trong các ngân hàng Mỹ của họ, đồng thời hủy thị thực của các nhân viên.

Như Washington lý giải, các biện pháp trừng phạt xuất phát từ mong muốn duy trì tuyến trung chuyển khí đốt thông qua Ukraine. Tuy nhiên, cách suy diễn như vậy là không hợp lý.

Cùng ngày hôm đó, công ty Thụy Sĩ Allseas, công ty sở hữu các tàu đặt ống Pioneering Spirit và Soliter đang thi công trên Biển Baltic, đã tuyên bố ngừng công việc với “Dòng chảy phương Bắc-2” và hai tàu này đã rời khỏi khu vực tác nghiệp do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Mỹ sẽ chỉ làm chậm tiến độ của Dòng chảy phương Bắc-2 chứ không thể ngăn chặn được Nord Stream 2, bởi Nga hoàn toàn có thể tự hoàn tất việc lắp đặt đường ống hoặc thuê tàu của Trung Quốc, Iran để thi công hạng mục này.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-ep-nga-chap-thuan-trung-chuyen-khi-qua-ukraine-3394072/