Mỹ 'găng' với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC): Tưởng quen, hóa lạ

Việc Washington trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không chỉ là câu chuyện thái độ của Tổng thống Donald Trump về các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương. Bình luận của TG&VN.

Đâu là hàm ý đằng sau động thái gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Donald Trump? (Nguồn: Reuters)

Ngày 11/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh trừng phạt các cá nhân của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tham gia điều tra các hành vi được cho là tội ác chiến tranh của Quân đội Mỹ tại Afghanistan, dù bản thân xứ cờ hoa không phải là thành viên tổ chức này. Cụ thể, sắc lệnh này cho phép Ngoại trưởng Mike Pompeo tham vấn với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin phong tỏa tài sản của thành viên ICC liên quan tới cuộc điều tra ở Mỹ, đồng thời ngăn cản họ và gia đình nhập cảnh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany tuyên bố: “Việc làm của ICC tấn công vào quyền lợi người dân và đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ.” Theo Reuters, Mỹ cáo buộc tổ chức này có nhiều “tham nhũng và sai phạm”, cuộc điều tra “đang được đẩy nhanh bởi một nỗ lực mờ ám” và cáo buộc Nga đứng sau.

Ngay lập tức, động thái của Mỹ đã gặp phải sự phản đối của ICC và cộng đồng quốc tế. ICC lên án động thái trừng phạt mới của Mỹ, khẳng định các hành động đe dọa của Washington không thể ngăn cản việc thực thi pháp luật.

Ngày 12/6, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borell nhấn mạnh: “Việc Mỹ trừng phạt cá nhân liên quan điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan là đáng quan ngại. Với tư cách EU, chúng tôi ủng hộ sự kiên định của ICC.”

Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố phản đối mọi nỗ lực gây sức ép đối với tòa án có trụ sở tại Hà Lan, đồng thời khẳng định là “một trong những quốc gia ủng hộ ICC mạnh mẽ nhất”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng quyết định của Mỹ công kích tất cả các bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC.

Vậy đâu là hàm ý đằng sau động thái gây tranh cãi của chính quyền ông Donald Trump?

Tưởng quen…

Nhìn từ bên ngoài, có thể thấy hành động của ông Donald Trump đối với ICC có nét tương đồng với thái độ không mấy thiện cảm trước đó của ông với các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương. Ngay từ khi nhậm chức, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu (COP21) và đàm phán xây dựng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới.

Về các tổ chức quốc tế, sau khi thông báo hồi tháng 10/2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hồi đầu năm 2019. Ngày 14/4/2020, giữa tâm dịch Covid-19, Mỹ đã dừng tài trợ và rời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc tổ chức này phản ứng chậm với sự bùng phát của đại dịch và thể hiện thái độ thân Trung Quốc.

Mới đây, sau thời gian dài chỉ trích Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về hợp đồng mua sắm chính phủ trị giá 1.700 tỷ USD của tổ chức này. Nếu việc này xảy ra, các đồng minh thân cận của Washington cũng sẽ không được ưu đãi trong đấu thầu các gói thầu mua sắm của chính phủ Mỹ, đồng thời phải tuân theo luật mua sản phẩm của xứ cờ hoa. Theo ông Trump, dường như WTO cần vai trò trung tâm, tiếng nói và thị trường lớn của Mỹ, hơn là Mỹ cần WTO. Trong bối cảnh đó, xét cho cùng, ICC chỉ là “nạn nhân” mới nhất.

Trụ sở của ICC tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: AP)

… hóa lạ

Quen là vậy, song thực tế, hành động lần này của Tổng thống Donald Trump khá “lạ”. Ông Trump thường có xu hướng phủ nhận những thành tựu, chính sách trước đó của các người tiền nhiệm, song lần này thì không. Bởi lẽ, không chỉ riêng ông Trump, thái độ của nhiều đời Tổng thống Mỹ với ICC cũng chẳng lấy làm thích thú.

Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993–2001) có đóng góp và tham gia ký kết Quy chế Rome về ICC vào năm 2000. Tuy nhiên, năm 2002, cựu Tổng thống George W. Bush (2001–2009) đã đảo ngược quyết định này và phê chuẩn “Đạo luật Bảo vệ Người Mỹ tham gia Phục vụ”, bảo vệ công dân khỏi ICC.

Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ và ICC thường xuyên rơi vào trạng thái nóng lạnh thất thường, với vài điểm sáng le lói như khi Mỹ không phủ quyết yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ICC điều tra tội ác tại Darfur năm 2005, bỏ phiếu để đưa Libya ra Tòa án, hỗ trợ vận chuyển nghi phạm từ Châu Phi tới ICC để xét xử.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ song phương đã chuyển biến xấu đi. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2018, ông khẳng định Mỹ “sẽ không hỗ trợ hay công nhận ICC. Đối với nước Mỹ, ICC không có quyền hạn, tính chính danh hay thẩm quyền”.

Thêm vào đó, có thể thấy lợi ích của Mỹ trong ICC đã giảm dần theo thời gian, khi các quan chức, tướng lĩnh và công dân nước này thường xuyên bị ICC đưa vào tầm ngắm điều tra vì những hành vi tại khu vực Quân đội Mỹ đồn trú. Tổ chức này cũng từng khiến Mỹ “nóng mặt” khi cố gắng điều tra các hành vi được coi là tội ác chiến tranh của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine.

Khi tình đã vơi, lợi đã cạn, Mỹ không còn lý do để quyến luyến ICC. Vì thế, hành động quyết liệt của Washington với tổ chức này không chỉ phản ánh tính cách của người đứng đầu Nhà Trắng, mà còn đại diện cho quan điểm của chính giới Mỹ. Câu chuyện tưởng quen, hóa lạ là vậy.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-gang-voi-toa-an-hinh-su-quoc-te-icc-tuong-quen-hoa-la-117686.html