Mỹ gấp rút tìm nhà thầu đất hiếm trước cuối tháng 7

Lầu Năm Góc đang tích cực tìm kiếm khả năng tự khai thác đất hiếm ở Mỹ trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung chưa dừng lại.

Reuters ngày 14/7 dẫn các nguồn tài liệu từ Chính phủ Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang gấp rút tìm các nhà khai thác ở Mỹ có thể sản xuất được đất hiếm.

Các xe tải chở quặng di chuyển trong một cơ sở đất hiếm tại California. Ảnh: Reuters

Các xe tải chở quặng di chuyển trong một cơ sở đất hiếm tại California. Ảnh: Reuters

Theo đó, quân đội Mỹ đã yêu cầu các nhà khai thác gấp rút trình kế hoạch phát triển mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm ở Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang gấp rút yêu cầu các nhà sản xuất có phản hồi nhanh và cho thời hạn chỉ vài tuần, khoảng đến cuối tháng 7 này. Sau khi xem xét kế hoạch, Lầu Năm Góc có thể cung cấp hỗ trợ tài chính để tiến hành kế hoạch đó gần như lập tức.

Không quân Mỹ xác nhận sự tồn tại của tài liệu này trong khi đại diện Lầu Năm Góc từ chối bình luận.

Sự gấp gáp của Lầu Năm Góc không khó hiểu do nguồn cung đất hiếm của họ ở Trung Quốc có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào. Khoảng 80% đất hiếm được sử dụng ở Mỹ trong giai đoạn 2014-2017 đều đến từ Trung Quốc. Đất hiếm được sử dụng trong hầu hết các thiết bị công nghệ cao và quân đội cần chúng để chế tạo máy bay chiến đấu, vũ khí dẫn đường chính xác và nhiều thiết bị điện tử khác.

Cameron Marchese, Chủ tịch của Texas Mineral Resources, công ty đang khai thác mỏ đất hiếm Round Top ở rìa phía Tây Texas cho biết: "Chính phủ muốn biết chúng ta có thể sản xuất bao nhiêu trong số các khoáng sản này và trong bao lâu".

Tài liệu của Lầu Năm Góc lưu ý rằng các khoản đầu tư của chính phủ thường dao động từ 5 triệu USD cho tới 20 triệu USD cho mỗi dự án.

Theo bản tài liệu dài 9 trang, mục tiêu tổng thể là bảo đảm một nhà cung cấp đất hiếm nội địa khả thi trong dài hạn.

Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận, giới chức Mỹ không trực tiếp đưa ra lời hứa về các khoản vay, tài trợ hay hỗ trợ tài chính khác cho các dự án đất hiếm của Mỹ. Nhưng yêu cầu của Lầu Năm Góc xuất phát một phần từ Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) cho phép nới rộng phạm vi mua bán của Lầu Năm Góc với các thiết bị cần thiết cho quốc phòng.

James Litinsky, đồng Chủ tịch của MP Materials, công ty quản lý mỏ khai thác Mountain Pass ở California cho biết Mỹ cần một nhà cung cấp trong nước bền vững để cung cấp các khoáng sản này và trở thành nhà sản xuất thống trị ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu.

MP Materials, công ty khai thác mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ vận chuyển quặng của mình tới Trung Quốc để xử lý đã phải chịu mức thuế 25% từ tháng trước sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với các sản phẩm quặng nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/6.

Don Lay, Giám đốc điều hành của Medallion Resources đầu tháng này cho biết họ đang nghiên cứu các địa điểm tiềm năng trên khắp Bắc Mỹ để phát triển một nhà máy khai thác đất hiếm.

Trong khi đó, một số nghị sỹ Mỹ trong các tuần gần đây đề xuất hàng loạt biện pháp để thúc đẩy sản xuất lithium, đất hiếm và các khoáng sản chiến lược khác.

Hôm 11/7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra dự luật cho phép các nhà sản xuất đất hiếm hình thành các hợp tác xã, tránh các đạo luật chống độc quyền của Mỹ.

Sự gấp rút của Washington về chương trình đất hiếm cho thấy Mỹ kỳ vọng nỗ lực lấp đầy khoảng cách trong chuỗi cung ứng đất hiếm của mình.

Bên cạnh tự sản xuất, Mỹ hoàn toàn có khả năng đưa quặng sang phân tách tại một nước thứ ba ngoài Trung Quốc như Việt Nam, Myanmar và Estonia với chi phí rẻ hơn.

Trung Quốc sẽ thực sự dùng đất hiếm?

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc cần rất thận trọng nếu nêu ra vấn đề sử dụng đất hiếm làm con bài chiến lược đấu Mỹ.

Mỹ dùng đất hiếm cho nhiều hoạt động chế tạo khai thác.

Hội đồng Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã khuyến cáo các nhà sản xuất đất hiếm nước này từ bỏ phương pháp sản xuất cũ và tập trung vào đầu tư, nghiên cứu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bắc Kinh cũng hạn chế nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar để tránh buôn lậu. Myanmar là nơi có trữ lượng lớn dysprosium và terbium - những đất hiếm có khối lượng trung bình mà rất ít nơi trên Trái Đất có được. Một lượng lớn quặng đất hiếm từ đây được nhập khẩu trái phép vào Trung Quốc, thậm chí Myanmar chiếm tới 85% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong trường hợp Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, Washington vẫn có các lựa chọn khác để thay thế. Ví như nhập khẩu từ các quốc gia khác hoặc tự sản xuất.

Đáng nói, quy trình sơ chế đất hiếm để có được các nhân tố như ý là điều khó khăn mà hiện nay, chỉ có máy móc ở Trung Quốc mới làm được.

Quặng thô được khai thác từ mỏ Mountain Pass (Mỹ) rồi phải xuất sang Trung Quốc, nơi sở hữu công nghệ phân tách hiện đại nhất thế giới, để xử lý. Trung Quốc đã áp thuế 25% lên quặng đất hiếm nhập khẩu từ Mỹ sang chế biến tại Trung Quốc từ 1/6.

Do đó, ngay cả khi Mỹ tự mình khai thác được đất hiếm, họ vẫn phải phụ thuộc vào quy trình sơ chế của Bắc Kinh.

Trước mối lo ngại Bắc Kinh sẽ áp dụng một số hình thức hạn chế xuất khẩu, giá đất hiếm đã tăng vọt trong vài tháng qua.

Trung Quốc đã từng ra sắc lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010. Tuy nhiên, để đối phó với tình hình khan hàng và tăng giá đất hiếm, các công ty Nhật Bản ngay lập tức cắt giảm lượng tiêu thụ và thực hiện tái chế.

Ngay trong năm đó, Mỹ cũng có những động thái nhằm khôi phục hoạt động khai thác và sản xuất đất hiếm trong nước bằng việc đề xuất Đạo luật về Chuỗi Cung ứng Công nghệ và Chuyển đổi Tài nguyên Đất hiếm (RESTART), dù đạo luật sau đó không được thông qua.

Sự kiện này đã để lại cho Trung Quốc bài học bằng việc tự đẩy nền công nghiệp khai thác và sản xuất đất hiếm của mình vào thế khó khi sử dụng công cụ hạn chế xuất khẩu. Bởi vậy, việc Trung Quốc sử dụng đất hiếm như công cụ để củng cố vị thế của mình dường như chỉ có thể nhằm mục đích “nhắc nhở” hơn là đáp trả thực sự.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-gap-rut-tim-nha-thau-dat-hiem-truoc-cuoi-thang-7-3383772/