Mỹ gay gắt, châu Âu đổi giọng về Trung Quốc

Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc và phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa qua cho thấy điều chỉnh đáng chú ý trong cách Mỹ và EU tiếp cận với Trung Quốc. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Thượng đỉnh trực tuyến EU–Trung Quốc ngày 14/9. (Nguồn: Reuters)

Tối ngày 15/9, trong bài phát biểu trực tuyến với Hội đồng Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu của mình để chỉ trích Trung Quốc.

“Thế giới đã thức tỉnh”?

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “gió đã xoay chiều” và “thế giới đã thức tỉnh” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc: Nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ đang xem xét lại mối quan hệ với cường quốc châu Á sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, mà trước đó là những chiến dịch đầu tư tại châu Phi, hay rủi ro trong các hoạt động kinh doanh và làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cho rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm “bá quyền” thông qua các chính sách về kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống mạng 5G, điều mà Washington cùng các đồng minh sẽ không để xảy ra.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định xứ cờ hoa đã sẵn sàng đương đầu thách thức đến từ Trung Quốc. Theo ông, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ giờ đây đã hiểu rõ “rủi ro chính trị” trong quá trình hoạt động tại Trung Quốc và nhận thức của người dân Mỹ về “mối đe dọa” từ Trung Quốc là vô cùng cần thiết trong cuộc cạnh tranh dài hơi này.

Ông cũng phủ nhận thông tin cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung là hệ quả sự suy thoái của Mỹ, khẳng định rằng Washington đang chiếm ưu thế. Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định mục tiêu của Mỹ là “đảm bảo trật tự thượng tôn pháp luật đã mang lại lợi ích không chỉ cho nước Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới tiếp tục là lực đẩy chính, đưa thế giới sang thế kỷ mới”.

Điểm đáng chú ý trong phát biểu lần này của ông Pompeo không đến từ thái độ gay gắt thường thấy đối với Trung Quốc, mà lại xuất phát từ cách ông viện dẫn sự thay đổi trong cách tiếp cận từ các đồng minh của Washington với Bắc Kinh, qua đó xây dựng hình ảnh “liên minh” chống Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Donald Trump dẫn đầu. Bài phát biểu kêu gọi đồng minh của Mỹ cứng rắn, quyết liệt hơn trong cách tiếp cận với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của mình.

Gió xoay chiều

Tuy nhiên, không phải đợi đến bài phát biểu của ông Pompeo, lãnh đạo EU đã đổi giọng trong cách tiếp cận với Trung Quốc, thể hiện rõ nét qua thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/9.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không ngại lên tiếng “nhắc” Trung Quốc về một số vấn đề nhạy cảm như Hong Kong, Tân Cương. Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, ông Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang.

Một trong những trọng tâm của hội nghị, Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư EU-Trung Quốc cũng không đạt được tiến triển: Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì quan điểm về đạt được thỏa thuận trong năm 2020, bà Von der Leyen không ngại nhận định rằng từ góc nhìn người châu Âu, một thỏa thuận tốt quan trọng hơn nhiều so với một thỏa thuận chóng vánh. Đồng thời, bà kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản thị trường, mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ truyền thông kỹ thuật số của châu Âu, vốn đã là vấn đề gai góc trong quan hệ giữa hai bên thời gian dài.

Ngay cả trong những vấn đề chung như biến đổi khí hậu hay hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19, hai bên cũng không đạt được một thỏa thuận cụ thể. Về đại dịch Covid-19, ông Michel cho rằng, chỉ có hành động tập thể và minh bạch mới có thể khống chế được đại dịch và cách duy nhất để tìm ra vaccine và triển khai ở mọi quốc gia là dựa trên hợp tác toàn cầu.

Về biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo EU cũng đề nghị Bắc Kinh chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại cấp cao về khí hậu và môi trường, cũng như trong lĩnh vực kỹ thuật số để tăng cường quan hệ đối tác.

Kết quả thực chất duy nhất từ cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo EU-Trung Quốc lại diễn ra trước cuộc họp, khi hai bên ký thỏa thuận bảo hộ tên thương mại đối với 100 loại mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau. Song rõ ràng, kết quả này không tương xứng với quan hệ giữa hai bên.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU với Trung Quốc đã diễn ra từ trước đó, song Thượng đỉnh lần này giữa hai bên có lẽ là nơi những điều chỉnh đó được thể hiện rõ hơn cả. Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, Mỹ đang triển khai chiến dịch biến cạnh tranh Mỹ-Trung thành câu chuyện giữa các đồng minh phương Tây và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn và câu chuyện Mỹ-Trung Quốc, EU-Trung Quốc vì thế sẽ còn nhiều điều để theo dõi trong thời gian tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-gay-gat-chau-au-doi-giong-ve-trung-quoc-124018.html