Mỹ gây sức ép để tạo lợi thế đàm phán

Việc áp đặt thuế quan được cho là sách lược của chính quyền Trump, sử dụng các hành động đe dọa đơn phương để tạo lợi thế trong đàm phán thương mại.

Việc Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu thép và nhôm đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Sự phản đối này đã phủ bóng lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các NHTW Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức vừa qua tại Canada.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Mnuchin đã bị chỉ trích mạnh mẽ tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc các NHTW G7, vì thuế nhập khẩu thép, nhôm của Mỹ. Ảnh: AP

Phản ứng quyết liệt của EU

Thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu được Mỹ áp dụng đối với mọi quốc gia, nhưng khi đưa ra kế hoạch này vào tháng 3 vừa qua, chính quyền Trump đã tạm miễn cho một số nước đồng minh và đối tác để các nước này có thời gian đàm phán với Washington. Tuy nhiên đến ngày 31/5 vừa qua, Mỹ tuyên bố dừng miễn thuế quan nói trên với Canada, Mexico và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi các đối tác này không chấp nhận đề xuất hạn ngạch mà Mỹ đưa ra.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã bị chỉ trích mạnh mẽ và gần như bị cô lập tại Hội nghị G7 vì thuế thép và nhôm của Mỹ, dù Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Italy và Canada cùng đang cố gắng thuyết phục chính quyền Donald Trump.

Để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp thương mại với Mỹ, ngành thép Việt Nam nên đa dạng thị trường xuất khẩu và dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%).

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng, hành động của Mỹ khiến các thành viên G7 lo ngại, nhưng hy vọng các nước còn lại trong khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó với Mỹ trong vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tuần tới ở Charlevoix, Canada.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các nước thành viên EU sẽ đáp trả "kiên quyết và thống nhất" trước việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm đối với các nhà sản xuất châu Âu.
Trước đó, EU đe dọa sẽ đáp trả Mỹ với các biện pháp thuế tương đương, nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu có tính biểu tượng từ Mỹ như xe motor Harley-Davidson, đồ jeans và rượu whiskey.

Không dễ hóa giải thuế quan của Mỹ

Cách đây hơn 10 ngày, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận tạm thời trì hoãn việc áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 29/5 vừa qua, Nhà Trắng đột ngột thay đổi thái độ khi đe dọa áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, cũng như siết chặt quy định đầu tư của các Cty Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, động thái nói trên của Mỹ không nằm ngoài sách lược của ông Trump, đó là sử dụng các hành động đe dọa đơn phương để tạo lợi thế trong các đàm phán thương mại. Truyền thông Mỹ cũng đưa tin, Washington đang tạo áp lực để Bắc Kinh ký kết một hợp đồng mua hàng nông sản và năng lượng dài hạn. Đây được xem như một phần trong thỏa thuận thương mại lớn nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ 337 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ thảo luận về danh sách một loạt các mặt hàng mà Trung Quốc có thể mua từ Mỹ trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tuần này. Theo đó, ông Ross dự kiến sẽ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu có thể thay thế cho hàng hóa mà Trung Quốc đang nhập từ các nước khác như sản phẩm tinh chế, khí hóa lỏng, hàng nông sản như thịt bò, đậu nành và gia cầm.

Giới chuyên gia cho rằng, dù các quốc gia đang phản đòn quyết liệt trước chính sách thuế nhập khẩu của Trump, nhưng sẽ không dễ hóa giải áp lực thuế quan này. Bởi vì, thị trường Mỹ vẫn đang là “miếng bánh béo bở”, mà nhiều quốc gia đang muốn chia phần. Do đó, việc nhượng bộ thương mại với Mỹ là khó tránh khỏi.

Miễn trừ hợp pháp với Việt Nam

Đối với Việt Nam, mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế nhập khẩu thép, nhôm nói trên của Mỹ không quá nghiêm trọng. Bởi vì, Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thép của Việt Nam.

Điều đáng mừng là, mới đây Mỹ đã thông báo cho phép miễn trừ hợp pháp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ giá 256,44% với mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguyên liệu từ Trung Quốc, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ.

Để đáp ứng được điều kiện của Mỹ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Mỹ để cung cấp đầy đủ thông tin, làm rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như quy trình sản xuất thép của Việt Nam. Đồng thời, ngành thép Việt Nam cũng nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3%).

Dương Trọng Đông

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/my-gay-suc-ep-de-tao-loi-the-dam-phan-130500.html