Mỹ giáng đòn nặng, ông Erdogan quyết không đổi ý

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nước này tuyên bố không sợ và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Syria.

Quân đội Syria tiếp quản các cứ điểm bắc Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9/10 tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” (“Operation Peace Spring”, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là “Baris Pinari”) ở miền bắc Syria, chống lại các tay súng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự hỗ trợ cả trên không lẫn trên bộ cho nhóm phiến quân mang tên “Quân đội Syria Tự do” (FSA, một nhóm vũ trang tự xưng là phe đối lập Syria), chia làm 2 đường từ phía tây Aleppo (tức phía tây sông Euphrates) tiến sang phía đông con sông này và từ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ tiến sang.

Ngay từ trước khi chính quyền Ankara bắt đầu chiến dịch, Washington đã tuyên bố rằng, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ sẽ không can dự vào hoạt động quân sự của giữa hai bên và sẽ “rút khỏi những khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự”.

Sau đó, Quân đội Hoa Kỳ đã sơ tán các đơn vị của mình ở đông bắc Syria. Các quân nhân Mỹ đã rời khỏi căn cứ điểm ở những khu định cư Dadat và Umm-Mial thuộc quận Manbij, tỉnh Aleppo và hàng loạt cứ điểm khác và tiến về hướng biên giới với Iraq.

Chính vì điều này, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng ưu thế quân sự vượt trội để đánh chiếm hàng loạt thị trấn then chốt mà người Kurd đang kiểm soát ở dọc biên giới Syria.

Trong bối cảnh đó, chính quyền tự trị các vùng lãnh thổ ở đông bắc Syria [do người Kurd kiểm soát] đã tuyên bố rằng, họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Damascus để triển khai Quân đội Syria (SAA) dọc theo toàn bộ biên giới của đất nước giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, để giúp đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang được Ankara hậu thuẫn.

Ngay sau khi quân Mỹ rút khỏi các cứ điểm ở bắc Syria, Quân đội chính phủ Syria đã nhanh chóng tiến lên phía bắc để thiết lập quyền kiểm soát ở hàng loạt các thành phố, thị trấn quan trọng như: Thị trấn Manbij thuộc tỉnh Aleppo; Ain-Isa thuộc quận Tell Abyad và Tabqa của tỉnh Raqqa; Qamishli và Hasaka thuộc tỉnh Al-Hasaka.

Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp đặt chế độ trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do tình hình ở phía đông bắc Syria, nơi Ankara phát động một cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang người Kurd - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Mỹ đã quyết định áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự ở Syria

Mỹ đã quyết định áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự ở Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do tình hình ở Syria vào hôm 15/10. Trong sắc lệnh, ông Trump đã mô tả một loạt các biện pháp trừng phạt có thể trong tương lai, bao gồm cả các biện pháp tài chính và đe dọa sẽ còn mạnh tay hơn.

Sắc lệnh trao cho các Bộ tài chính và Bộ Ngoại giao quyền xem xét và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho dân thường hoặc dẫn đến việc phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở phía đông bắc Syria.

Hiện tại, trong danh sách trừng phạt có Bộ quốc phòng và Bộ năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như người đứng đầu các bộ này là ông Hulusi Akar và ông Fatih Donmez. Ngoài ra, ông Suleiman Soilu, phó chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng đã bị đưa vào danh sách đen.

Tổng thống Trump cũng nói rằng ông đang tạm dừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận thương mại và tăng thuế nhập khẩu đối với thép Thổ Nhĩ Kỳ lên 50%, nghĩa là bằng mức thuế trước khi được giảm hồi tháng 5 năm nay.

Hoa Kỳ cũng sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán thương mại song phương dưới sự bảo trợ của Bộ Thương mại, liên quan đến thỏa thuận thương mại trị giá một trăm tỷ dollars với Ankara.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ không phải dùng đến các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn. Ông cũng đảm bảo với báo giới rằng, nếu cần thiết thì Hoa Kỳ có thể đóng băng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan không sợ đòn trừng phạt của ông Trump

Bình luận về việc Mỹ áp đặt trừng phạt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, Ankara không lo lắng về các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” ở miền bắc Syria và khẳng định rằng “chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, mục tiêu của chính quyền Ankara là loại bỏ “những kẻ khủng bố” ở trong phạm vi cách biên giới 32 km. Hiện nay, YPG (Lực lượng tự vệ người Kurd ở Syria với tên gọi là “Đơn vị Bảo vệ Nhân dân”) đang nhanh chóng thất thế và một khi còn chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đặt ra, chiến dịch của quân đội nước này sẽ vẫn tiếp tục.

“Tôi đã nói chuyện với ông Trump ngày hôm qua, ông ấy bảo chúng tôi tuyên bố ngừng bắn, nhưng chúng tôi sẽ không làm điều đó trong bất kỳ trường hợp nào.

Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi sẽ không bao giờ ngồi vào bàn đàm phán với một tổ chức khủng bố. Tôi nói ông Trump hãy gửi phái đoàn của mình đến đây và chúng tôi sẽ thảo luận với họ” - ông Erdogan nói thêm.

Ông Erdogan nói với các phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ trên máy bay, trở về sau chuyến thăm tới Azerbaijan rằng, mục tiêu của ông là “rất rõ ràng” và chính quyền Ankara không lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Để phối hợp trên chiến trường, nước này đang đàm phán với Hoa Kỳ và Nga.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-giang-don-nang-ong-erdogan-quyet-khong-doi-y-3389649/