Mỹ hạ thủy tàu khu trục tàng hình cuối cùng gây tranh cãi

Tàu khu trục tàng hình USS Lyndon B. Johnson, chiếc thứ ba và cuối cùng thuộc lớp Zumwalt, đã được hạ thủy giữa những chỉ trích và nghi ngờ về năng lực của nó so với số tiền bỏ ra.

Buổi lễ hạ thủy tàu khu trục tàng hình USS Lyndon B. Johnson (DDG-1002) lớp Zumwalt được tổ chức tại nhà máy đóng tàu Bath Iron Works thuộc tập đoàn General Dynamics ở bang Maine hôm 9/12. Lớp tàu chiến từng được mệnh danh là “chiến hạm đến từ tương lai” đang đối mặt với viễn cảnh mờ mịt và vấp phải nhiều chỉ trích vì chi phí khổng lồ, Defence News đưa tin.

“Hôm nay đại diện cho một thành tựu quan trọng, không chỉ với đội ngũ chương trình tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt mà còn cho toàn bộ Hải quân Mỹ. Con tàu đặc biệt này kết hợp thiết kế ấn tượng với các công nghệ tinh vi sẽ đưa sức mạnh hải quân lên một tầm cao mới”, Đại úy Jim Downey, quản lý chương trình Zumwalt của Hải quân Mỹ, nói trong một thông cáo.

Sau khi hạ thủy, tàu khu trục Lyndon B. Johnson sẽ tiếp tục được hoàn thiện tại bến tàu. DDG-1002 dự kiến tiến hành thử nghiệm trong năm 2019 và bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2021. DDG-1002 là tàu thứ ba cũng là cuối cùng của lớp Zumwalt, một chương trình phát triển vũ khí gây nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Tàu khu trục DDG-1002 trong quá trình xây dựng tại nhà máy Bath Iron Works. Ảnh: General Dynamics.

Ban đầu, Hải quân Mỹ dự định đóng mới 32 tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt để bổ sung và thay thế dần cho tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Zumwalt được áp dụng một loạt công nghệ mới lần đầu sử dụng trên tàu chiến, gồm động cơ điện tích hợp, radar băng tần kép, pháo bắn siêu xa AGS 155 mm.

Zumwalt có thiết kế thủy động lực học với công nghệ “sóng xuyên thân” và phần mũi tàu xuôi về phía sau chứ không hướng về trước như truyền thống. Tàu sử dụng tháp chỉ huy tích hợp kiểu mới. Toàn bộ cảm biến được gắn bên trong mái che giúp tăng khả năng tàng hình.

Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt từng được kỳ vọng sẽ giúp Hải quân Mỹ duy trì sức mạnh “không đối thủ” trên biển. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, chi phí phát triển tàu tăng một cách chóng mặt do nhiều công nghệ mới cần được thử nghiệm nhiều lần. Số lượng mua giảm xuống còn 24, sau đó giảm xuống 7 và cuối cùng chỉ còn 3 tàu, kéo theo đơn giá cho mỗi tàu lên đến 4 tỷ USD, biến nó trở thành tàu khu trục đắt nhất lịch sử.

Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt chưa thể chiến đấu vì thiếu vũ khí. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ đã tiếp nhận tàu đầu tiên USS Zumwalt (DDG-1000) vào năm 2016, tàu thứ hai USS Michael Monsoor (DDG-1001) vào tháng 4, nhưng các tàu chưa thể chiến đấu vì thiếu vũ khí, cụ thể là đạn cho pháo tầm xa AGS, cỡ nòng 155 mm. Trong thời gian tới, Hải quân Mỹ có thể sẽ loại bỏ AGS, trang bị thêm tên lửa và định hướng lại nhiệm vụ của tàu.

Hải quân Mỹ cũng hủy hợp đồng mua đạn pháo tầm xa LRLAP vì quá đắt. Hải quân Mỹ cùng nhà sản xuất đang gấp rút tìm kiếm loại đạn thay thế và cần khoảng 250 triệu USD để sửa chữa lại pháo phù hợp với đạn mới.

Chiến hạm Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận lớn nhất từng diễn ra ở Nhật Tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu đội hình tàu chiến kết hợp Mỹ - Nhật cùng 57.000 binh sĩ đang mô phỏng kịch bản phòng ngự trên không, đổ bộ ngoài khơi Biển Nhật Bản.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-ha-thuy-tau-khu-truc-tang-hinh-cuoi-cung-gay-tranh-cai-post899423.html