Mỹ - Hàn và 'cuộc chiến' SMA

Hậu quả khủng khiếp của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đáng để hai đồng minh Mỹ-Hàn suy nghĩ lại cách tiếp cận các cuộc đàm phán về Thỏa thuận đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA).

Hậu quả khủng khiếp của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đáng để hai đồng minh Mỹ-Hàn suy nghĩ lại cách tiếp cận các cuộc đàm phán về Thỏa thuận đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA).

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng, thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ khi các cuộc đàm phán về SMA bắt đầu vào năm ngoái. Du lịch bị đình trệ và ngày càng có nhiều nước ban bố lệnh phong tỏa với nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ngày một khủng khiếp và tác động xấu đến đời sống kinh tế và an ninh quốc gia, Mỹ và Hàn Quốc nên gạt bỏ những bất đồng về SMA và xem xét tạm thời ngừng nói đến vấn đề này.

Tuy nhiên, trong vòng đàm phán gần đây nhất, Washington tiếp tục yêu cầu Seoul phải đóng góp 4 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù con số này đã giảm so với yêu cầu ban đầu là 5 tỷ USD, nhưng nó vẫn tăng đáng kể so với thỏa thuận gần đây nhất cách đây một năm, trong đó Seoul đồng ý đóng góp hơn 900 triệu USD mỗi năm, tăng 8.2% so với thỏa thuận 5 năm trước. Với việc Hàn Quốc cho biết chỉ sẵn sàng chấp nhận mức tăng 10%, sự khác biệt đáng kể giữa hai bên khó có thể giải quyết.

Trong khi người Hàn Quốc cực kỳ ủng hộ liên minh với Mỹ, những cuộc thăm dò của Hội đồng toàn cầu Chicago cho thấy họ đang phản đối đề nghị Hàn Quốc tăng đáng kể đóng góp vào liên minh. Thật khó để tưởng tượng rằng, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in sẽ đồng ý tăng khoảng 300% khoản đóng góp trong bối cảnh các cuộc bầu cử Quốc hội được ấn định diễn ra vào ngày 15-4 tới và dư luận phản đối yêu cầu hiện tại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc không đạt được thỏa thuận có thể gây tổn hại cho liên minh nhiều hơn so với thời gian bình thường.

Các nhà đàm phán Mỹ đang đe dọa cho 4.500 nhân viên Hàn Quốc nghỉ việc, trừ khi Seoul đồng ý tăng đáng kể khoản đóng góp trong các cuộc đàm phán SMA trước ngày 1-4. Theo thông báo ban đầu được gửi đi vào đầu năm nay, Mỹ tuyên bố sẽ giảm 9.000 nhân viên Hàn Quốc, nhưng sau đó hạ xuống 4.500 người. Động thái này của Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang xảy ra trên toàn cầu chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho liên minh, cũng như khiến chính phủ Hàn Quốc khó có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng về chia sẻ chi phí quân sự. Để giải quyết những lo ngại này, các nhà đàm phán của Hàn Quốc hy vọng đảm bảo một thỏa thuận riêng về nhân sự. Tuy nhiên, Washington đã từ chối đề xuất này, vì nó sẽ làm mất đi phần lớn “đòn bẩy” của Mỹ trong các cuộc đàm phán.

Khi hầu hết các trường học trên thế giới đóng cửa, các sự kiện thể thao bị hoãn và giao thông giữa các quốc gia cũng bị tạm dừng, cách mà Mỹ xử lý vấn đề với Hàn Quốc sẽ báo hiệu cho Triều Tiên tình trạng hiện tại của liên minh. Mặc dù 4.500 nhân viên có vẻ không đáng kể, nhưng nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm chỉ vì muốn yêu cầu Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn, Triều Tiên hoàn toàn có thể kết luận rằng liên minh này không bền chặt như Seoul và Washington từng khẳng định trước đây.

Lẽ ra, trong hoàn cảnh hiện tại, đây có thể là cơ hội để Mỹ thể hiện tình đoàn kết với đồng minh thân thiết nhất của mình ở Châu Á. Thay vì tiếp tục các cuộc đàm phán và đe dọa cắt giảm nhân viên Hàn Quốc giữa đại dịch, cả hai có thể thống nhất tạm thời ngừng bàn về vấn đề này trong ngắn hạn. Điều này sẽ cho phép Mỹ duy trì đòn bẩy trong việc đạt được SMA dài hạn, đồng thời thừa nhận thực tế của cuộc khủng hoảng trước mắt mà cả hai đồng minh phải đối mặt. Nhà Trắng nên yêu cầu Nhà Xanh tiếp tục đóng góp cho liên minh với mức đóng góp như hiện tại cho đến cuối tháng 6 với hy vọng rằng đại dịch sẽ được kiểm soát vào thời điểm đó. Mỹ và Hàn sau đó cũng nên thống nhất dựa vào một loạt các số liệu để xác định khi nào đại dịch kết thúc, cho phép họ tiếp tục thảo luận các phần mở rộng ngắn hạn bổ sung nếu một thỏa thuận vĩnh viễn chưa được thông qua.

Giả sử cuộc khủng hoảng đã chấm dứt vào cuối tháng 6 và không có thỏa thuận dài hạn nào được đưa ra trong khoản thời gian tạm thời này, đến lúc đó Mỹ vẫn có quyền đưa ra các quyết định về cắt giảm nhân sự Hàn Quốc.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_222706_my-han-va-cuoc-chien-sma.aspx