Mỹ hết chào đón, nhà giàu Trung Quốc kiếm cửa nhập cư mới

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm các điểm nhập cư mới vì lo ngại phải chờ đợi quá lâu và sự bất ổn trong chính sách của một số nước, theo hướng tăng kiểm soát.

Theo SCMP, những đại gia giàu có người Trung Quốc đã bắt đầu sang châu Âu để tìm kiếm những nơi định cư tiềm năng thay thế cho Mỹ. Bởi vì, họ thực sự mệt mỏi và dần cảm thấy không còn hứng thú với việc nhập cư vào Mỹ, nơi có nền công nghiệp lớn nhất thế giới, do thời gian cho quá trình này rất dài và các chính sách của nó thì hoàn toàn không được đảm bảo.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết năm ngoái, tổng số visa được cấp cho người Trung Quốc theo chương trình nhập cư đầu tư mang tên là EB-5 đã giảm gần một nửa so với mức đỉnh vào năm 2014.

Còn trong năm 2018, cũng chỉ có tổng cộng 4.642 visa được cấp cho người Trung Quốc, giảm 3.666 visa so với mức 8.303 visa của năm 2014.

Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tập hợp trong ngày ông tới xem các bức tường biên giới gây tranh cãi tại San Diego, California ngày 13/3/2018. Ảnh: Getty/AFP.

Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tập hợp trong ngày ông tới xem các bức tường biên giới gây tranh cãi tại San Diego, California ngày 13/3/2018. Ảnh: Getty/AFP.

Được triển khai lần đầu vào năm 1990, chương trình “EB-5” của Mỹ cho phép một công dân nước ngoài đầu tư ít nhất 500.000 USD, khoản tiền có thể tạo ra 10 việc làm cho người Mỹ ở các khu vực nông thôn thì sẽ có hộ khẩu thường trú tại Mỹ cùng với gia đình, thường kéo dài trong năm đến bảy năm.

Đây đã trở thành một trong những chương trình nhập cư phổ biến nhất trong vài năm qua ở Trung Quốc, số tiền mà những đại gia Trung Quốc rót vào Mỹ chiếm tới 90% trong mức tổng là 50 tỷ USD do các ứng viên toàn cầu đem lại hàng năm.

Sự quá tải trong chương trình “EB-5 Visa” của Mỹ đang khiến các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy quá mạo hiểm phải đầu tư để có cơ hội nhập cư.

Tiến sĩ Tianlong You, một giáo sư nghiên cứu về luật pháp tại Đại học bang Arizona, cho biết: Sau cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, số lượng ứng viên Trung Quốc tham gia chương trình EB-5 bùng nổ mạnh mẽ. Do có quá nhiều ứng viên đang xếp hàng chờ để nhập cư nên Mỹ đã siết chặt hơn, thời gian xử lý cũng do đó mà tăng lên hơn 10 năm.

Ông còn chia sẻ thêm rằng: “Nhiều công dân Trung Quốc lo sợ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra tại đây và họ cũng e ngại rằng những vấn đề về an ninh quốc gia có thể bị áp đặt lên họ, nên đã chạy theo những chương trình định cư sang Mỹ như F-1 students, H-1B employees, và cả EB-5. ”

Tổng thống Donald Trump thảo luận về vấn đề nhập cư trong một sự kiện. Ảnh: Abaca Press/TNS.

Jennifer Lai, đồng quản lý và cũng là người đứng đầu Bắc Á tại Henley cùng với đối tác của mình, một công ty tư vấn về định cư và quyền công dân, cho biết Mỹ, Canada, Anh và Úc luôn đứng đầu danh sách những điểm đến lý tưởng của người Trung Quốc và Hong Kong bởi vì những quốc gia này có nhiều nguồn lực mạnh trong giáo dục, y tế và vốn đầu tư.

Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ rằng: “Trong những năm gần đây, chính phủ của các nhà nước này đã siết chặt việc xem xét và hạn ngạch đối với người Trung Quốc, vì vậy thời gian xử lý kéo dài hơn trước đi cùng đó là sự không chắc chắn liệu là những người này có được nhập cư hay không. Điều này đã khiến nhiều người đang cân nhắc để có những sự lựa chọn định cư mới ở châu Âu, ví dụ như việc tham gia chương trình “Golden Visa” để đến các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Malta.”

Các nhà phát triển Mỹ cảm thấy không hài lòng khi các nhà đầu tư Trung Quốc rút lui khỏi chương trình EB-5 nơi mà việc cấp thẻ xanh được xem là một phần thưởng xứng đáng.

Một lý do sâu xa cho việc người Trung Quốc muốn tìm điểm đến định cư mới đã được bà Lai đưa ra. Đó là sự thay đổi trong “khẩu vị” của họ.

Cũng theo bà Lai, những xung đột thương mại của Trung Quốc với Washington hay vấn đề ngoại giao đang xấu đi giữa Bắc Kinh và Ottawa do việc giam giữ giám đốc tài chính của Huawei, Wan Wanzhou ở Vancouver, đã khiến một số người Trung Quốc suy nghĩ lại xem liệu là họ có nên di cư sang Mỹ hoặc Canada.

Bà Lai chia sẻ: “Nếu tôi là người Trung Quốc thì tôi cảm thấy mình không được chào đón ở đất nước này. Tôi sẽ suy nghĩ lại".

Trong vài năm qua, các nước châu Âu đã giới thiệu nhiều chương trình nhập cư có đầu tư đến các đại gia Trung Quốc và những chương trình này đã khá được chào đón ở thị trường đại lục.

Chẳng hạn như Hy Lạp đã cấp 6.824 giấy phép cư trú cho các nhà đầu tư hay chủ sở hữu tài sản người Trung Quốc và gia đình của họ kể từ năm 2013. Cùng giai đoạn này, Nga cấp được 1.072 giấy phép nhập cư, xếp thứ 2 sau Hy Lạp.

Theo chương trình Golden Visa, Athens, thủ đô của Hy Lạp đang tiến hàng thủ tục cấp quyền cư trú cho một nhà đầu tư và gia đình của anh ta trong vòng 5 năm sau khi người này đã mua bất động sản hoặc đầu tư vào dự án nào đó với tổng số tiền trên 250.000 Euro (280.610 USD). Sau bảy năm cư trú, người này có thể có được visa và trở thành công dân hợp pháp.

Bà Lai cũng cho rằng khi xem xét việc đến một nơi khác để định cư thì vấn đề giáo dục cho trẻ nhỏ và tự do đi lại được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, bà Lai cũng cho biết các chương trình nhập cư của Liên minh châu Âu rất hấp dẫn bởi chúng cấp quyền đi lại trong khu vực Schengen bởi 26 quốc gia trong khu vực này đã chính thức bãi bỏ việc kiểm soát hộ chiếu dọc theo biên giới chung của họ.

Bùi Nhung
theo SCMP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-het-chao-don-nha-giau-trung-quoc-kiem-cua-nhap-cu-moi-post933364.html