Mỹ học của Nguyễn Du

Qua 'Mỹ học của Nguyễn Du', nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà bằng việc khảo sát rất nhiều tác phẩm bao gồm 'Truyện Kiều' cũng như những bài thơ chữ Hán đã cho thấy những hình dung mới về ý thức thẩm mỹ và quan niệm thẩm mỹ của đại thi hào.

Từng “lớp” cái đẹp

Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác giả và các tác phẩm của Nguyễn Du. Thế nhưng phóng theo góc nhìn mỹ học, thì công trình của Lê Ngọc Trà có thể được xem là đầu tiên và tiên phong nhất với những phân tích cặn kẽ và nhiều kiến giải sâu sắc. Trong đó ông không chỉ phân tích cái đẹp, mà cũng đồng thời là cái bi và chức năng cốt tủy của văn học, để thấy Truyện Kiều hay những tác phẩm khác hóa ra có tính lớp lang hơn chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học.

GS-TSKH. Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM). Ảnh: Sỹ Đông

Cái đẹp trong tác phẩm của Nguyễn Du theo đó cũng có rất nhiều tầng lớp. Đầu tiên đó là thiên nhiên cũng như phong cảnh đất trời. Điều này được thể hiện ở mùa xuân “cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, mùa hè “đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Ngoài ra đó cũng còn là bóng trời trong nước “thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”...

Theo Lê Ngọc Trà, cái đẹp của đại thi hào nghiêng về tròn trịa, tươi sáng, khác xa với nét tiêu biểu của Nhật Bản mà học giả Đông phương Donald Keene cho rằng đó là gợi ý, hé mở; dở dang, không hoàn chỉnh; mộc mạc, đơn giản; và không bền vững, úa tàn.

Không chỉ đẹp đẽ trong bức tranh thiên nhiên, mà nó cũng hiển hiện trong các nhân vật. Như câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, Nguyễn Du dường như cũng đem những quan sát ấy vào trong nhân vật. Vì vậy ta mới có Kim Trọng “phong tư tài mạo tót vời”, Từ Hải “râu hùm hàm én mày ngài”, Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Trong từng chuyển động, trong mỗi hành động... tất cả đều toát lên được một nét phong lưu, hoàn hảo, không chỉ về nhan sắc mà cũng còn là nhân cách, từ đó cái đẹp của Nguyễn Du cũng là cái đẹp của sự hoàn thiện.

Do đó cái đẹp của Nguyễn Du không chỉ thừa nhận cái đẹp như thuộc tính khách quan, mà sâu sắc hơn, nó cũng đóng vai trò gợi lên cảm xúc thẩm mỹ trong mỗi người đọc. Đó có thể là sự bất ngờ khi ông không ngại nhắc đến vẻ đẹp trần tục của cơ thể, hoặc là bám theo chính sự hoàn thiện, khi dù trong hoàn cảnh nào, thì cái đẹp của nhan sắc, của tài năng và của danh dự cũng nở bừng lên và đi cùng nhau. Nhưng bởi “chữ tài liền với chữ tai một vần”, nên “hồng nhan bạc phận”, cái đẹp cũng đi kèm với ngọn nguồn bất hạnh. Nó không chỉ thấy ở nhiều nhân vật như Kiều, Tiểu Thanh… mà cũng là trong cuộc đời của chính tác giả.

Tranh của Lê Văn Đệ, tả lại Thúy Kiều. Nguyễn Du cũng là đại thi hào mạnh mẽ khai thác vẻ đẹp trần tục nếu xét trong bối cảnh thời đại mà tác phẩm ra đời.

Bi cảm cũng là mỹ cảm

Lúc sinh thời, Nguyễn Du từng không ít lần tự nhận mình là “sầu nhân”, bởi trong cái đẹp, ông bỗng nhận ra nó hóa mong manh, dễ vỡ đến như thế nào. Do đó cái bi cũng là một thể trạng khác làm rung động lòng người, thuộc về mỹ cảm. Cái buồn của đại thi hào đến từ nhiều nghĩa, từ việc nhớ người thân, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ quê hương cố quốc nếu xét đến ông từng phải làm quan xa xứ. Đó cũng còn là bệnh tật, nghèo nàn và chuyện thế sự, bởi trong cuộc đời làm quan, cho đến cuối cùng ông cũng chỉ là một viên quan nhỏ.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà cũng khẳng định thêm điều này bằng cách so sánh với một danh nhân khác đó là Nguyễn Trãi. Trong khi Nguyễn Trãi có chức quan lớn, sau khi về hưu lưu về Côn Sơn quanh quẩn tuổi già, thì Nguyễn Du chỉ là một viên quan nhỏ, và các sáng tác thường được ra đời trong lúc vẫn còn đương triều, đó còn chưa tính đến sức khỏe yếu kém. Do đó trong di sản của mình, nỗi buồn bao trùm lên các sáng tác của ông, nhưng không giống Hồ Xuân Hương có cả bài buồn cũng như bài vui hay Nguyễn Bỉnh Khiêm không có bài buồn... đây là cái buồn gần như cô độc và không tránh khỏi.

Tranh của Lương Xuân Nhị. Mỹ cảm về thiên nhiên, phong cảnh là lớp dễ thấy nhất trong các sáng tác của Nguyễn Du.

Cũng có thể chính từ cái buồn này, mà Nguyễn Du ngay từ rất sớm đã quan tâm đến cái riêng, cái tôi của bản thân mình. Khác với trào lưu ở thời bấy giờ ca ngợi chí làm trai hay những thứ hùng hồn, thì ở đại thi hào, ông chỉ xoay quanh chữ “thương mình”. Đó là “giật mình mình lại thương mình xót xa”, “một mình mình biết một mình mình hay”, “một ta ta lại ngẫm cười một ta”... Từ bản thân, cái buồn đi vào Thúy Kiều và rồi tản mác ra khắp xung quanh, như đoạn Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích “ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”...

Dễ dàng nói rằng cái buồn của đại thi hào có phần nhân văn. Nó hướng từ trong nội tâm của chính tác giả, để cho thấy thêm những phận người dồn nén và bị áp bức. Vì thế chính bi cảm này, theo nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà, là sợi dây liên kết các sáng tác của Nguyễn Du lại thành một thể thống nhất. Từ cá nhân với những bài thơ chữ Hán, đến của một vài nhân vật trong Truyện Kiều, và cuối cùng là cả nhân loại, chẳng hạn như trong Chiêu hồn thập loại chúng sinh...

Tất cả đều là mỹ học của cái bi.

Tranh của Nguyễn Tường Lân. Bi cảm cũng là một loại mỹ cảm trong các tác phẩm của Nguyễn Du, khi làm độc giả rung động.

Mỹ cảm trong việc đảm bảo chức năng văn học

Ngoài những cái đẹp phát tiết từ trong để rồi thông qua văn chương ta thấy chúng hiện diện ở khắp mọi nơi, thì trong nhiều tác phẩm, Nguyễn Du cũng là một người ngay từ rất sớm tự ý thức được cái đẹp luôn cần phải có bên trong tác phẩm.

Chẳng hạn như ở Truyện Kiều, ông luôn ý thức về sự trọn vẹn của chính nghệ thuật, bởi khi Thúy Kiều dù phải gảy đàn cho những nhân vật thiếu trân trọng mình, thì cô vẫn luôn cố hoàn thiện nó một cách tốt nhất. Đó là những câu “Tay tiên gió táp mưa sa” hay trong bữa tiệc của Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến, thì là “Một cung gió thảm mưa sầu // Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”...

Tranh của Tôn Thất Đào. Trong Truyện Kiều, dù những lần gảy đàn đều không theo ý muốn, nhưng Kiều vẫn làm tốt nhất. Đó là mỹ cảm nghệ thuật cần phải có mà Nguyễn Du mang vào tác phẩm.

Với đại thi hào thì cho dù trong hoàn cảnh nào, nghệ thuật cũng phải chạm đến mục đích tối thượng, và người nghệ sĩ dù muốn dù không cũng phải gồng mình để vươn đến đó. Đó là sứ mệnh, và là những thứ không thể tránh khỏi. Không những thế, qua từng câu chữ tưởng như ngẫu nhiên, nhưng Nguyễn Du vẫn luôn đặt để một ngưỡng rất cao đối với nghệ thuật, như nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà chỉ ra thông qua câu thơ “Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên”. Theo đó tác giả đòi hỏi bức tranh vừa phải tươi sáng (đạm), nhưng cũng phải thật nền nã (thanh)...

Ý thức về chính điều ấy rồi cũng xuất phát trong tính hiện thực mà các tác phẩm qua đó bày tỏ. Dù cho điều này vẫn còn tranh cãi, nhưng chính “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đã ít nhiều phơi bày bức tranh xã hội, và đó chẳng phải là một trong những vai trò của văn chương đó sao? Như vậy có thể thấy rằng dù có chủ đích hay không chủ đích, thì những tác phẩm này vẫn có giá trị đương đại, hợp với mỹ cảm văn chương.

Bìa sách Mỹ học của Nguyễn Du. Ảnh: Minh Anh

Từ những điều trên có thể thấy rằng mỹ học là một phần quan trọng trong tư tưởng và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Qua việc tìm hiểu quan niệm và ý thức thẩm mỹ của đại thi hào, ta sẽ hiểu thêm một cách sâu sắc cũng như đầy đủ tác phẩm của ông, từ đó thêm hiểu vì sao qua bao thế kỷ đã dần trôi qua, thì những áng thơ vẫn còn sức sống cho đến ngày nay, không hề thay đổi. Mỹ học của Nguyễn Du có thể nói là một công trình sáng rõ, đột phá và rất mới mẻ để cho thấy điều này.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/my-hoc-cua-nguyen-du-42741.html