Mỹ học của sầu bi

'Tiếng núi' mang đậm nét cảm thức 'mono no aware', thường được hiểu là những cảm xúc sâu lắng về sự vô thường của vạn vật.

 Sách "Tiếng núi". Ảnh: N.N.

Sách "Tiếng núi". Ảnh: N.N.

Năm 1968, tên tuổi Yasunari Kawabata được xướng lên trong buổi lễ trao giải Nobel Văn học, khiến Anders Österling, thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã không tiếc lời ca ngợi, “Kawabata là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”. Ông trở thành nhà văn người Nhật đầu tiên giành được vinh dự này.

Nỗi u hoài ẩn trong từng con chữ

Văn chương của Kawabata đưa người đọc chạm đến nỗi u hoài sâu sắc ẩn giấu trong từng con chữ, khắc khoải trong mỗi trang văn. Sinh ra giữa buổi tao loạn, đối mặt với làn sóng phương Tây dồn dập ập vào Nhật Bản, càng chịu ảnh hưởng thẩm mỹ châu Âu thì Kawabata càng thêm trân trọng truyền thống dân tộc.

Ông khéo léo cài cắm những nét đẹp nghệ thuật của xứ Phù Tang vào trong những sáng tác của mình như trà đạo trong Ngàn cánh hạc, Geisha, đàn koto trong Xứ tuyết, kimono trong Cố đô. Và trong Tiếng núi, tiểu thuyết dài hơi của Kawabata, cảm thức vẻ đẹp gắn liền với nỗi buồn, một nét đặc trưng trong văn hóa Nhật hiện ra rõ nét.

Tiếng núi của Yasunari Kawabata được viết ngay sau Thế chiến II, cuốn sách là những suy nghĩ ngắt quãng của Ogata Shingo, một người đàn ông đã ngoại lục tuần, bắt đầu trăn trở về sự hữu hạn của cuộc sống. Tuổi già gõ cửa, dù đã giấu giếm nhưng ông vẫn đau đớn nhận ra thư kí của công ty và con trai ông, Shuichi liên tục phải nhắc nhở ông về những thứ bị mất.

Ông cặm cụi sắp xếp ký ức vào từng hộc tủ, một phần cố níu giữ kỷ niệm, một phần muốn hồi tưởng tình yêu ông từng dành cho cô em vợ. Tình yêu tưởng đã ngủ yên bỗng chốc như được nhen nhóm trong lòng. Cuộc hôn nhân hiện tại của ông tuy kéo dài hơn ba mươi năm, nhưng không thể đem lại cho ông ngập tràn hạnh phúc như khi nghĩ về người cũ.

Mỗi khi Shingo để tâm tư trôi dạt trong miền suy tưởng, thì tiếng núi ù ù vang vọng. Âm thanh của núi mang theo hơi thở gấp gáp của sự lụi tàn, vẫy gọi con người trở về cõi tử. Người Nhật tin rằng mỗi khi nghe thấy tiếng núi rền đó là điềm báo một người tốt sắp lìa đời. Thông qua tác phẩm, hay rõ hơn là nhân vật ông lão Shingo tuổi đã cao, Kawabata muốn nói rằng cuộc đời chính là một hành trình giải đáp những câu hỏi của cuộc sống. Khi mọi câu trả lời đều thỏa đáng cũng là lúc rời khỏi cuộc đời.

Một trang trong sách Tiếng núi. Ảnh: Hiểu Yên.

Sự vô thường của vạn vật

Chiến tranh như một bóng ma đeo bám lên nước Nhật cũng như những người trong gia đình Ogata. Cậu con trai Shuichi trở nên lầm lì, khó gần và phải thừa nhận rằng bóng ma chiến tranh đã len lỏi vào tâm hồn chàng trai trẻ.

Shuichi chỉ biết uống rượu, giải khuây bằng cách lăng nhăng với những người đàn bà bên ngoài. Chàng trai là hiện thân của những người trẻ tuổi, chông chênh trước thời cuộc sau khi trở về từ chiến trận. Họ dường như không còn thuộc về thế giới thực tại, nhưng cũng không thể mãi sống trong quá khứ.

Và dường như trái ngược với lớp trẻ còn đang băn khoăn, Shingo là hiện thân của những nét đẹp truyền thống. Tâm hồn ông đầy chất thơ, là sự hoài nhớ về những vần thơ hòa ca - một trong những nét đặc trưng văn hóa của Nhật. Tâm hồn dạt dào ấy đã dẫn Shingo đến với cảm thức sầu bi mãnh liệt sau này.

Tiếng núi mang đậm nét cảm thức mono no aware, thường được hiểu là những cảm xúc sâu lắng về sự vô thường của vạn vật. Kawabata đã sử dụng một cách tài tình nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm nhân vật để đối chiếu với nhận thức trong tâm hồn của Shingo. Đó cũng chính là tiếng lòng của Kawabata khi lắng nghe thanh âm của thiên nhiên, không chỉ với ngọn cây đâm chồi nảy lộc mà còn là tiếng của núi rừng u tịch, rồi hòa mình vào vạn vật trên thế gian. Shingo lúc này giống như hoàng tử Genji bước đi trên cánh đồng cỏ lau, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích và tiếng gió thở than trên không trung.

Tuổi thơ của Kawabata tràn ngập sự chia ly và mất mát, khiến nhà văn luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm u hoài và sự phù du ở cõi trần tục. Ông đã chọn cách chấm dứt cuộc đời vào năm 1972 bằng khí gas để lại tiếc nuối khôn cùng cho độc giả cùng những trang viết thấm đẫm nét đẹp đẽ.

Hiểu Yên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-hoc-cua-sau-bi-post1363641.html