Mỹ học tập Nga trang bị 'phòng vệ mềm' cho chiến xa

Kết hợp những hệ thống phòng vệ chủ động dạng 'cứng' và 'mềm' sẽ giúp cho xe tăng, thiết giáp trở nên bất khả xâm phạm trước vũ khí đối phương.

Hiện nay trên một số xe tăng Nga như T-90 được lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động (APS) "mềm" Shtora-1, nó là sự kết hợp giữa các cảm biến lắp xung quanh xe để nhận biết các mối nguy cơ cùng hệ thống ống phóng đạn khói ngụy trang và đèn gây nhiễu OTShU-1-7.

Khi phát hiện đang bị tên lửa chống tăng (ATGM) dẫn đường bằng laser của đối phương ngắm bắn, hệ thống Shtora-1 sẽ nhanh chóng xác định nguồn phát và tung đạn ngụy trang hay dùng đèn nhiễu tác động khiến ATGM của kẻ địch đi chệch mục tiêu.

Hệ thống phòng vệ "mềm" có ưu điểm lớn nhất là không gây nguy hại cho bộ binh đi kèm, nhưng nhược điểm lớn của nó được xác định bao gồm độ tin cậy không thực sự cao và hoàn toàn vô tác dụng với tên lửa chống tăng thế hệ 3 sử dụng đầu dò hồng ngoại hoặc quang điện tử như FGM-148 Javelin của Mỹ.

"Đôi mắt đỏ" - Đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ "mềm" Shtora-1 trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A

Trong khi đó Mỹ và các đồng minh phương Tây như Đức hay Israel lại đi theo trường phái khác đó là đặt niềm tin hoàn toàn vào hệ thống phòng vệ chủ động dạng "cứng" như Trophy hay Iron Curtain.

Khác với Shtora-1, những tổ hợp APS "cứng" không gây nhiễu đạn chống tăng của đối phương mà nó đánh chặn ngay lập tức trên nguyên tắc giống như tên lửa phòng không, đó là sử dụng radar để xác định nguy cơ rồi bắn hạ vũ khí kẻ thù.

Phương pháp này có độ tin cậy cao hơn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây sát thương rất lớn cho bộ binh, vì các hệ thống APS này sử dụng đạn đánh chặn chứa bi thép (Trophy) hay bột kim loại (Iron Curtain) tung ra sau khi đạn nổ thực sự là cơn ác mộng đối với binh lính đi kèm thiết giáp.

Hệ thống phòng vệ chủ động "mềm" Raven của Bae Systems được lắp trên xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley

Để khắc phục những nhược điểm của tổ hợp APS "cứng" và cũng là để tăng xác suất chống đỡ cho xe tăng, thiết giáp trên chiến trường, Quân đội Mỹ đã quyết định tiến hành thử nghiệm tích hợp cả hệ thống phòng vệ chủ động dạng "mềm" trên chiến xa của họ.

Các cuộc thử nghiệm đã được Mỹ tiến hành trong vài tháng qua, dẫn đến kết quả là hệ thống Raven do Bae Systems chế tạo đã được lựa chọn vào vòng kiểm tra cuối cùng, trong mùa hè này nó sẽ được lắp đặt song song với Iron Fist trên xe Bradley để tiếp tục đánh giá.

Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, tổ hợp Raven của họ ưu việt hơn Shtora-1 của Nga khi nó còn nhận biết được nguy cơ từ tên lửa chống tăng thế hệ 3, khi phối hợp tác chiến cùng APS "cứng" như Trophy hay Iron Curtain sẽ giúp tăng gấp bội khả năng sống sót cho phương tiện trên chiến trường.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-hoc-tap-nga-trang-bi-phong-ve-mem-cho-chien-xa-3374697/