Mỹ 'hồi sinh' thỏa thuận hạt nhân Iran: Con dao hai lưỡi

Baoquocte.vn. Việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tác động rất khác trong khu vực so với khi hiệp ước này được ký lần đầu tiên cách đây gần 6 năm.

Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015, theo đó sẽ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. (Theo: FT)

Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015, theo đó sẽ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. (Theo: FT)

Nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Bất chấp sự phản đối của nhiều thượng nghị sĩ và các cường quốc trong khu vực về việc Mỹ theo đuổi chính sách xoa dịu chế độ Iran, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục kế hoạch tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân mang tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015, theo đó sẽ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Các cuộc họp không chính thức giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp cùng với Đức) dường như đang trên đà khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chính quyền ông Biden cũng đang đảo ngược chính sách gây sức ép tối đa của chính quyền tiền nhiệm đối với quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân Iran có thể có những tác động rất khác trong khu vực so với khi hiệp ước này được ký lần đầu tiên cách đây gần 6 năm.

Từ năm 2013 đến năm 2015, một số chính phủ ở Trung Đông đã sẵn sàng cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Cộng hòa Hồi giáo Iran cơ hội ngoại giao và đàm phán với hy vọng chế độ Iran sẽ thay đổi hành vi gây bất ổn trong khu vực.

Sau khi JCPOA được ký, cựu Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông “tin tưởng” thỏa thuận này sẽ “đáp ứng các nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh của chúng ta”. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Obama, Nhà Trắng đã có những nhượng bộ chưa từng thấy trong nỗ lực xoa dịu chính quyền Hồi giáo.

Tác động tới an ninh khu vực

Tuy nhiên, sau khi JCPOA được ký, các cường quốc trong khu vực đã tận mắt chứng kiến tác động của thỏa thuận này. Khi các lệnh trừng phạt chống Iran được dỡ bỏ, JCPOA rõ ràng đã nhanh chóng mang lại cho Iran tính hợp pháp toàn cầu.

Tính hợp pháp mới này và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã mang lại hàng tỷ USD doanh thu cho tổ chức quân sự của Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, cũng như cho các nhóm dân quân và khủng bố được Iran ủy nhiệm. Tehran đã sử dụng số tiền này để mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực, bao gồm cả ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon.

Các quốc gia vùng Vịnh và Israel nhận ra rằng JCPOA chưa bao giờ hoàn toàn ngăn chặn được mối đe dọa từ Tehran. Khu vực này tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều hơn các vụ phóng tên lửa của Houthi vào các mục tiêu dân sự ở Saudi Arabia, hay việc triển khai hàng nghìn lính bộ binh Hezbollah ở Syria, và miền Nam Israel liên tục bị bắn phá bởi các tên lửa của Hamas do Iran tài trợ.

Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ là con dao hai lưỡi với an ninh của khu vực Trung Đông. (Nguồn: Imago)

Theo các quốc gia vùng Vịnh và Israel, điều này sẽ không bao giờ xảy ra nếu họ được tham gia đàm phán. Đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal bin Farhan đã phát biểu với hãng tin AFP hồi tháng 12/2020 rằng: “Chúng ta đã thấy hậu quả của việc các nước trong khu vực không có mặt trong thành phần đàm phán JCPOA dẫn đến sự hoài nghi và bỏ qua các vấn đề thực sự cần quan tâm và ảnh hưởng thực sự đến an ninh khu vực”.

Và đó cũng là lý do khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhìn thấy bản chất của các thỏa thuận với các chế độ cực đoan như chế độ Iran”.

Căn cứ vào diễn biến gần đây, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ là con dao hai lưỡi với an ninh của khu vực Trung Đông. Thông qua thỏa thuận hạt nhân, khu vực này có thể bớt căng thẳng bởi mối đe dọa hạt nhân từ Iran, nhưng cũng có thể khiến các cường quốc trong khu vực "bất mãn" dẫn đến hành động kiên quyết chống lại Iran mà không có Mỹ, để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Tehran trong khu vực.

Một hậu quả có thể xảy ra khi Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân là Israel có thể thực hiện hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran - một động thái có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh trong khu vực.

Tuần trước, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cảnh báo Tehran rằng: “Dù có hay không có thỏa thuận, chúng tôi (Israel) sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để Tehran không trang bị vũ khí hạt nhân”.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel, Tướng Aviv Kochavi hồi tháng trước cũng tiết lộ rằng các kế hoạch đã được vạch ra để tấn công chế độ Iran. Ông Aviv Kochavi cho biết đã chỉ thị cho quân đội chuẩn bị một số kế hoạch tác chiến bên cạnh những kế hoạch đã có.

"Các kế hoạch đã sẵn sàng và các nhà lãnh đạo chính trị sẽ là người quyết định thực hiện chúng”, Tướng Aviv Kochavi tuyên bố.

(theo Eurasia Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-hoi-sinh-thoa-thuan-hat-nhan-iran-con-dao-hai-luoi-137998.html