Mỹ hối thúc chính phủ Ai Cập bỏ tình trạng khẩn cấp

Trước tình trạng bạo lực ngày càng đẫm máu tại Ai Cập, ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Chính phủ lâm thời Ai Cập dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp để bắt đầu tiến trình hòa giải, tại đó mọi đảng phái đều có tiếng nói về tương lai Ai Cập.

Hiện trường các vụ đụng độ đẫm máu tại quảng trường Rabaa al-Adawiya ở Cairo ngày 15/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực đẫm máu bùng phát trên khắp lãnh thổ Ai Cập, kêu gọi tất cả các phe phái kiềm chế.
Ngoại trưởng Mỹ phản đối việc Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour áp đặt tình trạng khẩn cấp một tháng, đồng thời khẳng định tình trạng bạo lực đẫm máu gia tăng kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất ngày 3/7 là một đòn nghiêm trọng giáng vào tiến trình hòa giải cũng như hy vọng của người dân Ai Cập về một thời kỳ chuyển tiếp dân chủ.
Ông Kerry kêu gọi chính phủ lâm thời Ai Cập tiếp tục theo đuổi kế hoạch sửa đổi Hiến pháp và tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống.
[Bạo loạn khắp Ai Cập, nguy cơ biểu tình lớn ở Cairo]
Trong khi đó, tình hình tại Ai Cập cũng đang khiến quan hệ giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng. Ngày 15/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi Đại sứ tại Ai Cập Huseyin Avni Botsali và Ai Cập cũng có hành động tương tự.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này triệu hồi Đại sứ Botsali để tham vấn về tình hình hiện nay tại Ai Cập. Ankara trước đó cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc lực lượng an ninh Ai Cập sử dụng vũ lực đề giải tán người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Morsi.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp về tình hình Ai Cập.
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập và hối thúc giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Chính phủ Tunisia kêu gọi lực lượng an ninh Ai Cập chấm dứt việc sử dụng vũ lực, nhấn mạnh sự cần thiết tái khởi động tiến trình chuyển giao.
Bộ Ngoại giao Algeria cùng ngày cũng cho biết đối thoại với sự tham gia của tất cả các bên tại Ai Cập là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, bày tỏ hy vọng Ai Cập có thể tự mình khôi phục sự ổn định, đối mặt với những thách thức và đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Tại Ai Cập, những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi tiếp tục xuống đường biểu tình. Trong tối 15/8, khoảng 3.000 người đã tập trung biểu tình ngồi tại nhà thờ Hồi giáo Iman trên đường Makram Ebid ở thủ đô Cairo. Lực lượng an ninh đã bao vây, sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết Liên minh Dân tộc vì tính hợp pháp do tổ chức này đứng đầu đã kêu gọi người dân Ai Cập tham gia cuộc tuần hành trên phạm vi cả nước với tên gọi “Ngày thứ Sáu Giận dữ.”
Chính phủ lâm thời Ai Cập tối cùng ngày đã rút ngắn thời gian giới nghiêm được áp dụng tại 14 tỉnh trên cả nước. Theo đó, thời gian giới nghiêm bắt đầu từ 9 giờ tối, thay vì từ 6 giờ tối theo quy định trước đó, tới 6 giờ sáng hôm sau.
Theo nguồn tin từ Bộ Y tế Ai Cập cung cấp cho hãng tin AFP của Pháp vào tối ngày 15/8, số người thiệt mạng trong làn sóng bạo lực mới nhất Ai Cập đã lên tới 578 người, trong đó có 300 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh tiến hành giải tán các cuộc biểu tình ngồi tại thủ đô Cairo./.

(TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/my-hoi-thuc-chinh-phu-ai-cap-bo-tinh-trang-khan-cap/20138/211580.vnplus