Mỹ - Hy Lạp tăng cường quan hệ quân sự

Các lực lượng Mỹ đã được cấp quyền mở rộng tiếp cận 4 căn cứ quân sự ở Hy Lạp theo thỏa thuận nâng cấp hợp tác quốc phòng được hai nước ký hôm 14-10.

Đồng minh đáng tin cậy

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) và người đồng cấp Hy Lạp Dendias tại lễ ký thỏa thuận quốc phòng mở rộng. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) và người đồng cấp Hy Lạp Dendias tại lễ ký thỏa thuận quốc phòng mở rộng. Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AP, thỏa thuận mở rộng dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung (MDCA) được gia hạn hàng năm kể từ năm 1990. Việc sửa đổi MDCA là một phần trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 3 của Đối thoại Chiến lược Mỹ - Hy Lạp khởi động từ năm 2018.

Về mặt kỹ thuật, các quy định bổ sung cho phép thỏa thuận có hiệu lực vô thời hạn, trừ khi một trong hai nước đưa ra thông báo sửa đổi trước hai năm. Ngoài ra, Hy Lạp cho phép lực lượng Mỹ tăng cường tiếp cận hai căn cứ ở miền Trung và một ở thành phố cảng Alexandroupolis gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Lầu Năm Góc cũng được quyền mở rộng hiện diện tại căn cứ hải quân ở Vịnh Souda thuộc đảo Crete. Thỏa thuận còn tạo ra khuôn khổ cho hoạt động đầu tư của Mỹ giúp Hy Lạp cải thiện và hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng quy mô lớn hơn.

Phát biểu tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đối thoại là tín hiệu về cam kết chung thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và một trong những đồng minh đáng tin cậy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Địa Trung Hải, góp phần thúc đẩy hòa bình khu vực cũng như an ninh toàn cầu. Về phần mình, người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias cho biết mở rộng hợp tác quốc phòng Washington - Athens đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của hai đồng minh. Ông cũng bác bỏ khả năng hiệp ước mới chống lại bất kỳ nước nào.

NATO lo nội bộ bất ổn

Hợp tác Mỹ - Hy Lạp diễn ra giữa lúc đang có nhiều đồn đoán về khả năng Lầu Năm Góc rút khỏi căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Trước đó, người Thổ đe dọa trục xuất lực lượng Mỹ tại căn cứ trên nếu Washington trừng phạt vụ Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Được biết, căn cứ Incirlik là một trong những kho trữ vũ khí hạt nhân lớn của Mỹ và đóng vai trò đòn bẩy đối với địa chính trị khu vực.

Ngoài mối quan hệ xấu đi với Mỹ, căng thẳng âm ỉ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp cũng ngày càng leo thang liên quan tranh chấp ranh giới biển. Năm 2020, hai bên đứng trước nguy cơ xung đột khi Ankara cử tàu khảo sát địa chất cùng một số tàu hải quân nhỏ thực hiện thăm dò dầu và khí đốt trong vùng biển Hy Lạp khẳng định chủ quyền, dẫn tới “va chạm ngoài ý muốn”. NATO sau đó thiết lập cơ chế “giải quyết vấn đề” để tránh rủi ro bùng phát xung đột toàn diện giữa hai nước.

Phát biểu hôm 14-10, Ngoại trưởng Dendias tái khẳng định cam kết của Hy Lạp giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông Dendias nhấn mạnh thực tế Athens đang đối mặt “sự khiêu khích hàng ngày” có thể dẫn “nguy cơ chiến tranh”. Hồi tháng 9, Hy Lạp trong nỗ lực điều chỉnh chính sách quốc phòng theo hướng tăng cường hợp tác quân sự với các nước khu vực đã mua thêm 6 chiến đấu cơ và 3 tàu khu trục nhỏ của Pháp. Hai bên cũng thiết lập “đối tác chiến lược” ở Địa Trung Hải, gồm điều kiện bảo vệ lẫn nhau “bằng mọi phương tiện thích hợp” đối với các hành động như xâm lược vũ trang nhắm vào lãnh thổ một trong hai nước.

Pháp và Hy Lạp khẳng định thỏa thuận phòng thủ chung mới không chống lại quốc gia nào, hoàn toàn liên kết và tôn trọng đầy đủ cam kết của cả hai trong Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận còn được cho nâng cao vai trò của châu Âu trong NATO và chia sẻ công bằng về trách nhiệm giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mục tiêu của thỏa thuận là nhằm “cô lập” Ankara. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đầu tháng này cũng chỉ trích bất kỳ nỗ lực nào bên ngoài khuôn khổ liên minh, dù là cạnh tranh hay sao chép NATO.

Cam kết của Mỹ đối với châu Âu

Thông qua thỏa thuận mới với Hy Lạp, giới quan sát cho biết Mỹ đang trấn an châu Âu trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuyển trọng tâm chính sách sang cạnh tranh với Trung Quốc. Trước đó, Pháp đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia cựu lục địa “ bớt ngây thơ” và “rút ra hệ quả” từ việc Washington hiện chỉ tập trung vào chính mình và chuyển hướng chiến lược đến châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài mục tiêu xoa dịu châu Âu, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hy Lạp, đặc biệt việc họ sở hữu hầu hết cổ phần tại cảng chiến lược Piraeus, cũng chiếm phần lớn quan tâm của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Athens.

MAI QUYÊN (Theo AP, CNA)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-hy-lap-tang-cuong-quan-he-quan-su-a139404.html