Mỹ-Iran: Chiến tranh hay đàm phán?

Với cả hai, đàm phán vẫn là mục tiêu nhưng không dễ thực hiện.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng nguy hiểm với các động thái đe dọa nhau liên tục từ hai bên.

Đe dọa lẫn nhau

Theo tin từ hãng tin ISNA (Iran), trong ngày 12-5, chỉ huy Amirali Hajizadeh lãnh đạo lực lượng hàng không vũ trụ Iran thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh cáo “nếu Mỹ đi một bước, chúng tôi sẽ đánh phủ đầu”. Cuối tuần rồi, ông Yousef Tabatabai-Nejad, thủ lĩnh phái Hồi giáo Shia ở Iran, đe dọa “hạm đội tàu trị giá hàng tỉ USD của họ có thể bị phá hủy bằng một tên lửa” nếu chiến tranh xảy ra.

Phía Iran lên tiếng sau khi Phó Đô đốc Mỹ Jim Malloy, chỉ huy Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, nói rằng không loại trừ khả năng đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln đến eo biển chiến lược Hormuz. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln mang theo 40 máy bay tấn công đã được triển khai đến vùng Vịnh. Mỹ cũng đã đưa một số máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông để đối phó “các dấu hiệu đe dọa rõ ràng từ Iran”, đồng thời duyệt triển khai thêm các hệ thống phòng không Patriot ở Trung Đông.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran nhưng sẵn sàng “đáp trả bất kỳ cuộc tấn công dù của các lực lượng ủy quyền của Iran, của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Iran, hay của lực lượng vũ trang thông thường Iran”. Sau tuyên bố của ông Bolton, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan chỉ đạo triển khai thêm tàu vận tải đổ bộ USS Arlington lớp San Antonio cũng như triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 Patriot đến Bộ Tư lệnh miền Trung của Mỹ (CENTCOM).

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ chở theo 40 máy bay chiến đấu đã được triển khai tới Trung Đông. Ảnh: EPA

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ chở theo 40 máy bay chiến đấu đã được triển khai tới Trung Đông. Ảnh: EPA

Nguy cơ chiến tranh

Trong phiên họp Quốc hội ngày 12-5, tướng Hossein Salami, chỉ huy lực lượng IRGC, cho rằng việc Mỹ triển khai đội tàu sân bay đến khu vực chẳng qua chỉ là đòn tâm lý nhằm đe dọa Iran chứ chẳng có vấn đề gì đáng ngại thật sự. Tướng Salami nói ông đi đến kết luận này vì chuyện di chuyển quân đến và đi khỏi khu vực Trung Đông của Mỹ là hoạt động bình thường.

Theo tướng Salami, chuyện Mỹ đánh Iran là không thể xảy ra, không có chuyện Mỹ sẽ dùng tàu sân bay đánh Iran vì Mỹ không đủ sức mạnh cần thiết để làm điều này. Tướng Salami tự tin năng lực phòng thủ của Iran là “tương xứng và đủ khả năng” đối phó Mỹ, trong khi đó tàu sân bay của Mỹ lại rất dễ bị tổn thương và “Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro này”. Tướng Salami được bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng IRGC từ tháng trước và việc bổ nhiệm này được xem là nhằm kiểm tra thái độ của Mỹ.

Tuy nhiên, trong một bài viết trên báo Haaretz ngày 12-5, TS Emily B. Landau, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, lãnh đạo chương trình kiểm soát vũ khí và an ninh khu vực, lại nhận định các động thái phô diễn sức mạnh của Mỹ cho thấy nước này cân nhắc nghiêm túc khả năng tấn công Iran.

Tuy nhiên, bà Landau cũng cho rằng cả Mỹ lẫn Iran đều không hào hứng với chiến tranh, vì điều này không phục vụ quyền lợi của nước nào. Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải đặt các đe dọa của hai bên vào đúng bối cảnh của nó. Bà cho rằng thực chất các đe dọa của Iran là nhằm tự vệ trước Mỹ, châu Âu; các đe dọa và các bước chuẩn bị quân sự của Mỹ là nhằm ngăn chặn Iran có bất kỳ ý nghĩ nào về chuyện kích động chiến tranh, xung đột với Mỹ. Điều đó có nghĩa với cả hai nước đàm phán vẫn là mục tiêu.

Theo bà Landau, trong tương lai nếu có sự leo thang dẫn đến tấn công quân sự thì do xuất phát từ sự tính toán sai. Còn hiện tại, chuyện tô đậm khả năng chiến tranh - dù là trên truyền thông hay ở bộ phận các nhà phân tích - cũng là điều không nên.

Nếu họ có bất kỳ bước đi nào, họ sẽ hứng hàng chục tên lửa.

Thủ lĩnh phái Hồi giáo Shia ở Iran YOUSEF TABATABAI NEJAD

Khả năng đàm phán đến đâu?

Nếu đàm phán là mục tiêu chung thì khả năng hai bên ngồi lại đến đâu? Một động thái cho thấy Mỹ có quan tâm đến vấn đề ngoại giao về Iran. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hủy lịch trình đến Moscow trong chuyến thăm Nga để tham dự một cuộc đối thoại về Iran ở Brussels (Bỉ) ngày 13-5 (giờ địa phương). Ông Pompeo vẫn sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergay Lavrov tại TP Sochi (Nga) sau đó theo lịch.

Hãng tin CNN dẫn một nguồn tin ngoại giao ngày 11-5 rằng Nhà Trắng đã chia sẻ cho Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Iran một số điện thoại mà phía Iran có thể dùng tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump trong trường hợp muốn đối thoại với ông. Đại sứ quán Thụy Sĩ đại diện cho quyền lợi của Mỹ ở Iran trong bối cảnh hai nước cắt quan hệ sau cuộc cách mạng Iran 1980. Trước đó ông Trump từng đề nghị các lãnh đạo Iran gọi điện thoại cho mình để bàn về các vấn đề liên quan đến khả năng đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng song phương hiện tại.

Tuy nhiên, nói với trang tin YLC ngày 12-5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi bác bỏ khả năng Iran sẽ gọi cho ông Trump để cải thiện quan hệ hai nước. Theo ông Araghchi, “muốn thoát khỏi tình huống khó khăn mà ông Trump tự mình tạo ra cho bản thân và cho Mỹ thì không cần phải có sự hòa giải hay số điện thoại nào mà Mỹ phải sửa lại chính sách và cách hành xử của mình”. Ông Araghchi cũng nói nếu Mỹ cần thì “họ có số của chúng tôi”. Cũng theo ông Araghchi, cộng đồng quốc tế nhận định Mỹ đang có “các chính sách sai” với Iran và đã có “sai lầm” khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tăng cường áp lực lên Iran.

Thời điểm ngày 9-5 sau khi ông Trump gợi ý Iran gọi cho ông, ông Yadollah Javani, Phó Tư lệnh IRGC, đáp trả rằng Iran không có kế hoạch đối thoại với Mỹ - nước mà theo ông là một “đối tác thương lượng không đáng tin cậy”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi thẳng thừng bác bỏ lời ông Trump rằng Iran sẽ tìm kiếm đối thoại với Mỹ. Ông Qassemi nói rằng ông Trump chỉ đang nói về “giấc mơ không có thật và không thể đạt được” của mình.

Israel vừa lên tiếng lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Nói với kênh Ynet TV ngày 12-5, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Israel Yuval Steinitz cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran có thể khiến Iran có hành động tấn công Israel. Theo ông Steinitz, một khi có đối đầu giữa Iran với Mỹ hay với các nước láng giềng, không loại trừ khả năng Iran sẽ tăng cường hoạt động của các nhóm vũ trang do nước này bảo trợ ở Syria, Lebanon, Gaza như Hezbollah, thậm chí bắn tên lửa từ Iran sang Israel.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/myiran-chien-tranh-hay-dam-phan-833489.html