Mỹ - Iran đáp trả 'mạnh' trực diện: Loạt nguy cơ Trung Đông?

Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã xác định Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố nước ngoài.

Theo AP, đây là một tuyên bố chưa từng có đối với một chính phủ nước ngoài, có thể leo thang trả đũa và khiến các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội Mỹ khó khăn hơn trong việc làm việc với các đồng minh trong khu vực.

Vô tiền khoáng hậu

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ xác định IRGC - một thực thể của một chính phủ khác là một tổ chức khủng bố, đặt một lực lượng có nguồn lực kinh tế rộng lớn của Iran ngang với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS.

Tổng thống Donald Trump nói khi công bố động thái trên: "Bước đi chưa từng có này, do Bộ Ngoại giao dẫn đầu, công nhận thực tế rằng Iran không chỉ là nhà tài trợ khủng bố, mà IRGC còn tích cực tham gia, tài trợ và thúc đẩy khủng bố như một công cụ quản trị".

Đây là một hành động chưa từng có đối với một thực thể của một chính phủ khác. (Nguồn: Getty)

Đây là một hành động chưa từng có đối với một thực thể của một chính phủ khác. (Nguồn: Getty)

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, việc xác định này là nhằm tăng sức ép đối với Iran, cô lập họ hơn nữa và chuyển hướng một số nguồn tài chính mà nước này được cho là sử dụng để tài trợ cho hoạt động khủng bố và phiến quân ở Trung Đông và các hoạt động khác.

Nói chuyện với các phóng viên, ông Pompeo đã liệt kê ra một danh sách các cuộc tấn công có từ những năm 1980 mà Hoa Kỳ buộc Iran và IRGC chịu trách nhiệm, bắt đầu bằng các cuộc tấn công vào doanh trại của Thủy quân lục chiến ở Beirut, Lebanon năm 1983.

Các nhà chỉ trích những chính sách cứng rắn coi đây là khúc dạo đầu cho xung đột.

Trita Parsi, người sáng lập tổ chức Hội đồng Quốc gia Mỹ Iran cho biết: "Động thái này đã đóng lại một cánh cửa tiềm năng khác để giải quyết căng thẳng một cách hòa bình với Iran". "Một khi tất cả các cánh cửa được đóng lại, và ngoại giao là không thể, chiến tranh về cơ bản sẽ trở thành không thể tránh khỏi."

Tổ chức An ninh Quốc gia, một nhóm gồm chủ yếu là cựu quan chức chính quyền Obama, cho biết động thái này sẽ khiến quân đội Mỹ gặp nguy hiểm trong khi đe dọa hiệp định hạt nhân năm 2015 mà Iran vẫn đang tuân thủ.

Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã dấy lên lo ngại về tác động của bước đi trên nếu không có ngoại lệ cho phép họ liên lạc với các quan chức nước ngoài khác, những người có thể đã gặp hoặc liên lạc với IRGC. Những lo ngại đó một phần đã ngăn cản các chính quyền trước đây thực hiện bước đi này, và đã nằm trong diện xem xét hơn một thập kỷ.

Phức tạp thế cân bằng Trung Đông

Nhưng, ngoài khả năng Iran sẽ trả đũa, hành động này còn làm phức tạp thêm một sự cân bằng tinh tế đối với nhân viên Hoa Kỳ tại ít nhất hai quốc gia quan trọng.

Không có miễn trừ hay ngoại lệ nào đối với các lệnh trừng phạt được công bố, có nghĩa là quân đội và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ có thể bị cấm đối thoại với chính quyền Iraq hoặc Lebanon, những người có quan hệ với các quan chức của IRGC hay những người đại diện của tổ chức này. Sự tiếp xúc như vậy đang diễn ra giữa các quan chức Hoa Kỳ ở Iraq với lực lượng dân quân Shiite có liên hệ với Iran và ở Lebanon, nơi phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn có ghế trong quốc hội và chính phủ.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ truy tố các hành vi vi phạm, nhưng các quan chức từ chối cho biết cách giải thích công khai như thế nào về việc cấm "hỗ trợ vật chất" cho IRGC. Một cách giải thích chặt chẽ sẽ khiến hàng trăm công ty và giám đốc điều hành châu Âu có nguy cơ bị cấm đi lại hoặc chịu án hình sự của Hoa Kỳ, cùng với việc hạn chế khả năng của các quan chức Mỹ giải quyết các vấn đề với các đối tác nước ngoài có liên hệ với IRGC.

Việc xác định này "đặt ra câu hỏi liệu một công ty hoặc cá nhân không thuộc Hoa Kỳ có thể bị truy tố vì tham gia vào các giao dịch thương mại với một công ty Iran do IRGC kiểm soát hay không", Anthony Rapa, một luật sư thương mại quốc tế của Kirkland và Ellis nói.

IRGC có ảnh hưởng đáng kể ở Iran và Trung Đông. (Nguồn: AP)

IRGC là một tổ chức bán quân sự được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran để bảo vệ chính phủ. Lực lượng chỉ đáp lại nhà lãnh đạo tối cao của Iran, hoạt động độc lập với quân đội chính quy và có lợi ích kinh tế rộng lớn trên cả nước. Hoa Kỳ ước tính IRGC có thể kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đến 50% nền kinh tế Iran, bao gồm cả các lĩnh vực phi quân sự như ngân hàng và vận chuyển.

Iran từ lâu đã bị Hoa Kỳ xác định là "nhà tài trợ khủng bố" và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện cũng xác định hơn 60 tổ chức là "tổ chức khủng bố nước ngoài". Nhưng không ai trong số họ là quân đội nhà nước.

Phản ứng dữ dội từ Iran

Iran ngay lập tức có phản ứng, với việc Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran xác định Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, CENTCOM, và tất cả các lực lượng theo đó là khủng bố, và coi Hoa Kỳ một "bên ủng hộ khủng bố".

Hội đồng này lên tiếng về quyết định của Hoa Kỳ là "bất hợp pháp và nguy hiểm" và nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả "hậu quả nguy hiểm" của quyết định này. Họ cũng bảo vệ IRGC, với việc đã chiến đấu với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS là một lực lượng chống khủng bố.

Các chỉ huy quân đội Mỹ đang lên kế hoạch cảnh báo quân đội Hoa Kỳ còn lại ở Iraq, Syria và các nơi khác trong khu vực về nguy cơ bị đáp trả. Ngoài Iraq, nơi có khoảng 5.200 lính Mỹ đang đóng quân, và Syria, nơi vẫn còn 2.000 lính Mỹ, Hạm đội 5 của Hoa Kỳ, hoạt động ở Vịnh Ba Tư từ căn cứ ở Bahrain và căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, cũng có thể gặp nguy cơ.

Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Iran Brian Hook và điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Nathan Sales, cho biết quyết định trên đã được đưa ra sau khi tham vấn ý kiến với các cơ quan trong chính phủ nhưng không nói trong họp báo rằng liệu vấn đề quân sự hoặc tình báo có được giải quyết hay không.

"Làm điều này sẽ không cản trở ngoại giao của chúng tôi," ông Hook nói nhưng không giải thích. Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ đã có nhiều lần liên lạc hoặc thậm chí đàm phán chính thức với các thành viên của các nhóm phải chịu lệnh trừng phạt.

Phản ứng từ những người ủng hộ sự cứng rắn hơn với Iran là nhanh chóng và đáng hoan nghênh. "Cảm ơn, người bạn thân yêu của tôi, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump," Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chia sẻ trong một tweet, một ngày trước cuộc bầu cử tại nước này. "Cảm ơn ông đã đáp lời một yêu cầu quan trọng khác của tôi phục vụ lợi ích các quốc gia của chúng ta và của các quốc gia trong khu vực."

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-iran-dap-tra-manh-truc-dien-loat-nguy-co-trung-dong-20190409092504787.htm