Mỹ khẩn cấp 'gọi tái ngũ' tàu Peleliu thay thế chiếc Bonhomme Richard vừa bị thiêu rụi?

Sau vụ cháy kéo dài gần 48 giờ, tàu đổ bộ cỡ lớn USS Bonhomme Richard (LHD-6) của hải quân Mỹ đã hư hỏng nặng nề, gần như chắc chắn sẽ bị loại biên, tạo ra lỗ hổng lớn trong lực lượng tác chiến và rất cần có phương tiện thay thế.

 LHD-6 USS Bonhomme Richard là một trong 8 tàu đổ bộ mang trực thăng cỡ lớn lớp Wasp của hải quân Mỹ, việc con tàu bị loại biên sớm sẽ khiến lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thiếu phương tiện tác chiến quan trọng.

LHD-6 USS Bonhomme Richard là một trong 8 tàu đổ bộ mang trực thăng cỡ lớn lớp Wasp của hải quân Mỹ, việc con tàu bị loại biên sớm sẽ khiến lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thiếu phương tiện tác chiến quan trọng.

Hiện tại tàu đổ bộ tấn công LHA-7 Tripoli đóng mới đang trong tình trạng thử nghiệm chưa được chấp nhận vào biên chế vì còn phải thử nghiệm dài, hơn nữa vì thiết kế theo học thuyết khác nhau, do vậy nó không thể thay thế chiếc LHD-6.

Trong tình cảnh trên, giải pháp khả thi nhất đó là "gọi tái ngũ" tàu đổ bộ tấn công LHA-5 Peleliu khi nó có kích thước và chức năng tương đương LHD-6, con tàu đang trong tình trạng niêm cất bảo quản và có thể trở lại hoạt động trong thời gian ngắn.

Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng LHA-5 (Landing Helicopter Assault) USS Peleliu thuộc lớp Tarawa, nó là bước phát triển kế tiếp của tàu đổ bộ tấn công lớp Iwo Jima của hải quân Mỹ.

Chiếc USS Peleliu có lượng giãn nước đầy tải 44.056 tấn; chiều dài 254 m; chiều rộng 40,2 m; mớn nước 7,9 m - kích thước này gần như tương đương với thế hệ LHD lớp Wasp.

Tàu được lắp đặt 2 động cơ hơi nước Combustion Engineering và 2 turbine Westinghouse công suất 70.000 mã lực (52.000 kW), cho tốc độ lớn nhất 24 hải lý/h (44 km/h), tầm hoạt động 10.000 hải lý (19.000 km) khi chạy ở vận tốc 20 hải lý/h (37 km/h).

Ban đầu vũ khí của chiếc LHA-5 USS Peleliu bao gồm 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Mk 25 Sea Sparrow và 2 pháo hạm cỡ 127 mm Mk 45.

Sau khi nâng cấp, dàn vũ khí trên được thay bằng 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Mk 49 RAM, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 6 pháo tự động 25 mm Mk 242 và 8 súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Với kích thước đồ sộ của mình, USS Peleliu có khả năng mang theo 19 trực thăng Sikorsky CH-53 Sea Stallions hoặc 26 trực thăng Boeing Vertol CH-46 Sea Knight, hoặc mang kết hợp hai loại trên.

Tàu được trang bị 2 thang máy, boong tàu cho phép 9 chiếc Sea Stallions hoặc 12 chiếc Sea Knights hoạt động cùng lúc. Sau khi hiện đại hóa, USS Peleliu còn mang theo 6 máy bay phản lực cất hạ cánh thẳng đứng McDonnell Douglas AV-8B Harrier.

Được thiết kế với vai trò như một căn cứ nổi của lính thủy đánh bộ, USS Peleliu có sức chứa tối đa 1.703 binh sĩ, mang theo được 4 xuồng đổ bộ LCU 1610, hoặc mang kết hợp 2 LCU với 2 LCM-8, hoặc 17 chiếc LCM-6 hoặc 45 chiếc LVT (tùy nhiệm vụ).

Khoang đổ bộ của tàu có thể điều chỉnh mức ngập nước tương ứng với từng loại xuồng đổ bộ mang theo. Đây là chi tiết khiến nó phù hợp nhất để thay thế tàu LHD-6, bởi từ chiếc LHA-6 Ameria trở đi thì không còn thiết kế này nữa.

Tàu USS Peleliu chính thức nhận quyết định ngừng hoạt động vào ngày 31/3/2015, tuy nhiên nó chưa bị tháo dỡ mà gia nhập hạm đội dự trữ tại cảng Philadelphia.

Theo đánh giá, nếu nhận quyết định "tái ngũ" thì chỉ vài tháng làm việc khẩn trương là chiếc LHD-5 USS Peleliu có thể trở lại hoạt động một cách đầy đủ.

Nếu viễn cảnh trên được thông qua, hạm đội dự trữ của hải quân Mỹ một lần nữa lại phát huy vai trò to lớn và cũng nhắc nhở các đối thủ về tiềm lực cực mạnh của nước này.

Bạch Dương (Theo Topwar/National Interest)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-khan-cap-goi-tai-ngu-tau-peleliu-thay-the-chiec-bonhomme-richard-vua-bi-thieu-rui/860258.antd