Mỹ khó lòng 'bắt thóp' Triều Tiên dù ai làm Tổng thống

Dù ông Trump hay ông Biden đắc cử sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11 tới, việc giành thế kiểm soát đối với Triều Tiên dường như là không thể.

Theo CNN, khi ông Barack Obama kết thúc ngày thứ 75 trên cương vị Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đã bất ngờ cho phóng thử tên lửa. Đây được xem là sự kiện khủng hoảng quốc tế đầu tiên đối với chính quyền của Tổng thống Obama lúc bấy giờ.

Song cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong giai đoạn ông Donald Trump giữ chức Tổng thống Mỹ còn tới sớm hơn. Vào ngày thứ 23 sau khi chính thức nhậm chức, lúc ông Trump cùng Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shizo Abe ngồi ăn tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago thuộc bang Florida, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chứng kiến sự kiện phóng thử tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn thành công.

Giới chuyên gia đặt câu hỏi, trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân chủ và là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới, Triều Tiên có lặp lại hành động khiêu khích tương tự như những ngày đầu ông Obama và ông Trump lên nắm quyền?

Triều Tiên là vấn đề “khó nhằn” đối với cả ông Trump và ông Biden. (Ảnh minh họa)

Triều Tiên là vấn đề “khó nhằn” đối với cả ông Trump và ông Biden. (Ảnh minh họa)

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump

Giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là một trong những chính sách đối ngoại “khó nhằn” nhất đối với Mỹ. Kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã 6 lần thử nghiệm hạt nhân thành công và 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo ông Kim, việc thử nghiệm những vũ khí là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ bên ngoài và duy trì sự ổn định của chính quyền lãnh đạo.

Trên thực tế, khi quyết tâm theo đuổi phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã phải trả giá đắt khi bị cộng đồng quốc tế áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt.

Ngay cả Mỹ cũng hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và buộc ông Kim ngồi vào bàn đàm phán. Bản thân Tổng thống Trump nhận định, việc ông trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên ngồi mặt đối mặt với nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể tạo ra được những bước đột phá chưa từng có. Song dù có những lần gặp mặt và đối thoại song phương, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều hiện vẫn rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo hai nước vào tháng 2/2019.

Trong khi ông Trump muốn có một “thương vụ lớn” như việc Triều Tiên từ bỏ hẳn chương trình hạt nhân để đổi lại các lệnh trừng phạt ngay lập tức được gỡ bỏ, thì ông Kim lại chỉ sẵn sàng cho đóng cửa Yongbyon, cơ sở hạt nhân lớn nhất và nổi tiếng nhất của Triều Tiên vốn là nơi sản xuất vật liệu phân hạch dùng trong các loại vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ không đồng ý với việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt trong khi Triều Tiên chỉ đóng cửa Yongbyon, theo cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Nói cách khác, động thái “xuống nước” của Triều Tiên chưa đủ sức thuyết phục ông Trump nên nhà lãnh đạo Mỹ chần chừ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Còn theo ông Markus Garlauskas, cựu quan chức tình báo phụ trách vấn đề Triều Tiên trong Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra hồi tháng 2/2019 là minh chứng cho thấy nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu giao tiếp giữa hai nhà lãnh đạo.

Cũng theo ông Garlauskas, “rào cản cơ bản là ông Kim không hề có ý định từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân và ông Kim cũng sẵn sàng đối mặt với cái giá đắt phải trả khi duy trì những loại vũ khí này”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn quyết không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. (Ảnh: Sky News)

Giao tiếp sớm và thường xuyên

Cho tới nay, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn khẳng định chính sách đối ngoại thi hành với Triều Tiên đã giành được thắng lợi. Bởi từ tháng 11/2017, Triều Tiên chưa tiến hành bất cứ vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa. Trong khi, hai loại vũ khí này bị nghi ngờ phục vụ mục đích tích hợp với các đầu đạn hạt nhân để tấn công lãnh thổ Mỹ.

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore, ông Trump và ông Kim đã thi hành cái gọi là thỏa thuận ngầm. Cụ thể, chừng nào các cuộc đối thoại đang diễn ra, Triều Tiên sẽ không cho thử nghiệm ICBM hoặc bom hạt nhân. Đổi lại, ông Trump sẽ cho cắt giảm quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vốn bị Triều Tiên xem là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không bao gồm các loại tên lửa tầm ngắn có thể được Bình Nhưỡng sử dụng để tấn công lực lượng binh sĩ Mỹ và đồng minh trong khu vực. Do đó, Triều Tiên vẫn tiến hành thử nghiệm những tên lửa này. Ngoài ra, Triều Tiên cũng không đưa ra bất cứ cam kết nào về việc dừng phát triển hoặc tăng cường năng lực cho các loai vũ khí dù không cho tiến hành thử nghiệm.

Hôm 10/10 nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã cho ra mắt một loại vũ khí được cho là một trong những ICBM lớn nhất thế giới ngay tại buổi lễ duyệt binh trên Quảng trường Kim Nhật Thành.

Theo các chuyên gia vũ khí, dường như ICBM “khủng” mà Triều Tiên cho ra mắt trong lễ duyệt binh được thiết kế để mang theo nhiều loại đầu đạn và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều này cũng có nghĩa là Triều Tiên cam kế dừng thử nghiệm ICBM, nhưng không có nghĩa họ dừng phát triển loại tên lửa này.

Việc Triều Tiên cho ra mắt ICBM “khủng” khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng sẽ sớm cho tiến hành một vụ thử nghiệm. Nhận định này hoàn toàn có lý sau lời phát biểu hồi năm ngoái, ông Kim nhấn mạnh Triều Tiên không có nghĩa vụ tuân thủ những gì đã hứa nhằm ám chỉ tới việc dừng thử nghiệm ICBM như đã cam kết trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Nhiều khả năng, Triều Tiên có thể cho thử nghiệm ICBM mới sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11 kết thúc.

“Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến Triều Tiên tiến hành thử nghiệm kho tên lửa đạn đạo hoặc kho vũ khí hạt nhân trong trường hợp ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ”, ông Evans Revere, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định.

Còn theo ông Joseph Yun, người từng giữ chức đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và Trump, điều quan trọng với ông Biden là liên lạc với lãnh đạo Triều Tiên và vạch ra những giới hạn đỏ càng sớm càng tốt để ngăn Triều Tiên tự ý hành động.

“Bạn cần phải gửi đi thông điệp tới Triều Tiên rằng, chúng tôi muốn nói chuyện và chúng tôi đã sẵn sàng nói chuyện, nhưng hiện tại hãy cho chúng tôi thời gian và dừng thử nghiệm vũ khí, ông Yun nói.

Hiện cả ông Trump và ông Biden đều có ưu thế và bất lợi trong vấn đề Triều Tiên. Điển hình như mối quan hệ giữa ông Kim và ông Trump có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng lời hứa về giải trừ hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn của ông Trump là không thể trở thành sự thật.

Còn ông Biden, người nhiều lần phê phán mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim vẫn có cơ hội đảo chiều tình thế. Ông Biden có thể không cần yêu cầu Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn ngay lập tức, đồng thời thuyết phục Nhật - Hàn tin rằng Washington vẫn duy trì cam kết bảo vệ hai quốc gia này trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Song trên thực tế, cả ông Trump và ông Biden đều có chung một thách thức là tìm cách đối phó với ông Kim sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 3/11. Câu hỏi đặt ra là “Làm cách nào để buộc Triều Tiên dừng phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo khi mà hai loại vũ khí này được Bình Nhưỡng xem là xương sống để đối phó với kẻ thù?

Theo CNN, trước câu hỏi này cả ông Trump và ông Biden đều chưa có câu trả lời.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/my-kho-long-bat-thop-trieu-tien-du-ai-lam-tong-thong-268253.html