Mỹ khó xử khi Ấn Độ mua S-400 của Nga

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay 5-10, có một chủ đề bàn thảo sẽ được phía Mỹ theo dõi sát sao. Đó là việc New Delhi mua hệ thống phòng không tối tân S-400 (ảnh) của Mát-xcơ-va.

Ảnh: Sputniknews

Lễ ký kết thỏa thuận mua 5 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa trị giá hơn 5 tỉ USD dự kiến diễn ra trong chuyến thăm 2 ngày của chủ nhân Điện Kremlin. Nga lâu nay là bên cung ứng thiết bị quân sự lớn nhất cho Ấn Độ. Năm ngoái, Nga xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 2 tỉ USD sang Ấn Độ, theo Viện Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST).

Thỏa thuận mua S-400 cũng cho thấy nỗ lực của Ấn Độ trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Quan hệ song phương trắc trở những năm gần đây do Ấn Độ đa dạng hóa các hợp đồng mua sắm vũ khí, quay sang Mỹ để trang bị khí tài, bao gồm máy bay tuần tra biển và trực thăng tấn công. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, vũ khí Nga chỉ chiếm 62% lượng nhập khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2013-2017, so với 79% của 5 năm trước đó. Cũng trong giai đoạn trên, số vũ khí mà Ấn Độ mua từ Mỹ lại tăng hơn 500% so với 5 năm trước đó.

Các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ xem S-400 là vũ khí quan trọng để đối phó hai quốc gia láng giềng Pakistan và Trung Quốc, bởi lá chắn này có thể theo dõi và bắn hạ máy bay chiến đấu lẫn tên lửa đạn đạo cách xa 400km và ở độ cao 30km, thậm chí uy lực hơn cả Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ngoài S-400, lãnh đạo Ấn Độ và Nga cũng có thể sẽ bàn về hợp đồng mua 4 khinh hạm lớp Krivak và 200 trực thăng Ka-226 trị giá tổng cộng 3 tỉ USD. Đạt được một loạt thỏa thuận mới với Ấn Độ là thắng lợi lớn cho Nga, nhưng là “thất bại ê chề” đối với Mỹ.

Mỹ hiện đang nhắm vào ngành quốc phòng Nga và những bên làm ăn với giới chức xứ bạch dương. Tháng rồi, Mỹ đã trừng phạt Cục phát triển thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 và S-400 từ Nga. Washington lập luận rằng việc Bắc Kinh mua vũ khí Mát-xcơ-va là vi phạm Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) do chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành năm 2017. Theo các quan chức Mỹ, động thái này nhằm gửi thông điệp đến những nước đang xem xét mua vũ khí của Nga, bao gồm Ấn Độ.

Dù vậy, áp đặt trừng phạt lên Ấn Độ liên quan hợp đồng S-400 sẽ cản trở nỗ lực của Washington trong việc thúc đẩy New Delhi trở thành đối tác an ninh chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ngược lại, miễn trừng phạt Ấn Độ lại có nguy cơ làm xói mòn chiến dịch chống Nga đang leo thang của Mỹ. Cho đến nay, giới chức Mỹ đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về thỏa thuận mua S-400 của Ấn Độ. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis viện dẫn quan hệ Mỹ-Ấn để yêu cầu Quốc hội cho phép Nhà Trắng miễn trừng phạt trong một số trường hợp. Trong các cuộc đối thoại hồi tháng rồi, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Ấn đã thảo luận về sự miễn trừ đặc biệt để New Delhi mua S-400, nhưng phía Washington bắn tín hiệu rằng họ không chắc sẽ “gật đầu”. Hôm 3-10, giới chức Mỹ lại lên tiếng cảnh báo trừng phạt Ấn Độ xung quanh ý định “tậu” S-400.

Tuy nhiên, Richard M. Rossow, chuyên gia về chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định nhiều khả năng Washington sẽ “tha” cho New Delhi vì những mục tiêu an ninh lâu dài hơn của Mỹ.

THANH BÌNH (Theo WSJ, AFP)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/my-kho-xu-khi-an-do-mua-s-400-cua-nga-a102488.html