Mỹ khoét thêm nỗi đau Iron Dome của Israel

Ngay khi Israel thanh minh rằng Iron Dome tự động khai hỏa do quá mẫu mực, truyền thông Mỹ đã có phân tích làm lộ điểm yếu của vũ khí này.

Sự cố với hệ thống Iron Dome xảy ra từ tối 25/3 nhưng đến nay, vụ việc vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên nhiều trang báo quốc tế. Theo đại diện các Lực lượng vũ trang Israel (IDF), tình huống hệ thống Iron Dome phóng 10 quả tên lửa dù không có bất kỳ vụ tấn công nào được xác định do chúng hoạt động quá nhạy bén khi tóm gọn được cả những vụ bắn súng máy từ mặt đất.

Mặc dù lực lượng Hamas tập trận bắn đạn thật, cho kích nổ bom và phóng một vài quả tên lửa, song hướng phóng của các vũ khí đó đều ngược chiều hướng nhằm về Israel. Thay vào đó, các quả tên lửa trong cuộc tập trận bay ra Địa Trung Hải.

Phát ngôn viên của IDF, Chuẩn tướng Ronen Manelis cho biết: "Tất cả hệ thống báo động đều được kích hoạt bởi tiếng súng nổ ở Gaza. Không ghi nhận có tên lửa rơi trong lãnh thổ Israel. Hệ thống Iron Dome cũng được sử dụng để đối phó với đạn súng máy.

Và vụ phóng này hoàn toàn không phải là lỗi của con người hay hệ thống vũ khí, nguyên nhân bởi chúng đã hoạt động quá nhạy cảm khi đủ mạnh để tóm gọn tín hiệu từ cả những vụ tấn công trên mặt đất bằng súng máy", tướng Ronen Manelis cho biết thêm.

Theo giới thiệu của ông Ronen Manelis, hệ thống Iron Dome có tỷ lệ tấn công mục tiêu chính xác tới trên 90%. Nhiệm vụ chính của Iron Dome là tiêu diệt các loại đạn rocket, đạn pháo, cối do các tổ chức Hồi giáo vũ trang phóng vào các thành phố nằm ở phía Nam Israel. Irone Dome trở thành chiếc lá chắn quan trọng để bảo vệ Tel Aviv và các thành phố khác ở Israel trong việc đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza.

Tính năng đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc, tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn. Khi tên lửa đối phương đang bay vào các khu vực đông dân cư hoặc những mục tiêu nhạy cảm, Iron Dome sẽ phóng đi một tên lửa đánh chặn với đầu đạn đặc biệt tiêu diệt tên lửa đang bay tới chỉ trong vòng vài giây.

Và mặc dù Israel tuyên bố đầy ấn tượng về Iron Dome nhưng theo nhận định của trang New York Times, tỷ lệ thành công của hệ thống Iron Dome "nhiều ảo tưởng hơn thực tế". Trái với tuyên bố của Israel rằng tỷ lệ thành công của hệ thống này trong việc đánh chặn các tên lửa được bắn từ Gaza trong suốt cuộc đụng độ hồi năm ngoái là 90% thì các chuyên gia nghiên cứu vũ khí Mỹ-Israel cho biết khả năng tấn công chính xác của nó chỉ "không quá 40%".

Theo giải thích của các chuyên gia, Iron Dome chỉ có khả năng làm tê liệt hoặc làm chệch hướng tên lửa của đối phương chứ không phá hủy được nhiều. Điều này dẫn tới hệ quả là các tên lửa bị đánh chặn sẽ vẫn còn nguyên vẹn hoặc chỉ bị vô hiệu hóa một phần khi rơi xuống khu vực dân cư sẽ vẫn có khả năng gây nguy hiểm cho con người.

Hơn nữa, New York Times cho biết, một nhà khoa học tên lửa hạt nhân từng là nhân viên của Rafael (nhà sản xuất Iron Dome của Israel) Mordechai Shefer tháng trước đã đưa ra kết luận rằng "tỷ lệ tiêu diệt là số 0" sau khi nghiên cứu khoảng 20 video hoạt động mới của hệ thống này. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-khoet-them-noi-dau-iron-dome-cua-israel-3355269/