Mỹ không cho phép châu Âu 'bắt cá hai tay'?

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng các công ty của EU sẽ không được phép kinh doanh cùng lúc với cả Hoa Kỳ và Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trên truyền hình Fox News

Không được “bắt cá hai tay”

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình của đài Fox News về việc liệu có phải một số công ty châu Âu buộc phải ngừng hợp tác với Hoa Kỳ vì lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Iran, ông Pompeo nói: "Các công ty châu Âu sẽ không được phép kinh doanh với cả Hoa Kỳ và Iran trong cùng một lúc".

Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Iran. Ông cũng tuyên bố khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, bao gồm cả những biện pháp thứ cấp, có nghĩa là chống lại các nước khác làm ăn với Iran. Hoa Kỳ đã tái áp dụng một phần biện pháp trừng phạt chống lại Iran vào ngày 7/8. Biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn, trong đó bao gồm lĩnh vực xuất khẩu dầu, có hiệu lực từ ngày 5/11. Washington tuyên bố mục tiêu của mình là triệt tiêu nguồn thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu và kêu gọi các nước khác từ bỏ việc mua dầu Iran.

Tuy nhiên, gần đây chính quyền Mỹ đã đưa ra một số tín hiệu cải chính có phần mâu thuẫn với những tuyên bố ban đầu. Một vài ngày trước, cố vấn của Tổng thống D. Trump, ông John Bolton, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tìm cách giảm khối lượng cung cấp dầu của Iran xuống không, nhưng không làm tổn hại đến các đồng minh (nghĩa là một vài đồng minh của Mỹ vẫn có thể nhập dầu của Iran mà không bị Mỹ trừng phạt).

Phản ứng quốc tế và tiếng nói người trong cuộc

Giới lãnh đạo EU đã thiết lập một số “rào chắn” nhằm bảo vệ các công ty của châu Âu khỏi bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước châu Âu đã tái khẳng định cam kết của mình với Kế hoạch hành động toàn diện chung (IFAP) và mong muốn duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, cũng như tiếp tục ủng hộ Iran xuất khẩu dầu và khí đốt.

Các bên cũng tuyên bố rằng cơ chế mục tiêu đặc biệt (Special Purpose Vehicle - SPV) sẽ được chính thức ra mắt trong những ngày tới.

Trước đó, Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và Iran, theo một cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc, cho biết, EU sẽ tạo ra một cơ chế tài chính đặc biệt SPV trong thanh toán quốc tế với Iran để lách qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran; trên thế giới chỉ duy nhất Israel công khai ủng hộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/8/2018 tuyên bố: “Tôi chính thức tuyên bố áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran. Đây là những biện pháp nặng nề nhất từ trước đến nay, và từ tháng 11 sẽ có thêm những biện pháp nặng hơn nữa. Những ai muốn quan hệ kinh doanh với Iran sẽ không có cơ hội làm ăn với Mỹ. Với hành động này, tôi chỉ muốn toàn thế giới được bình yên, và không mong muốn gì hơn”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đáp lại: “Hoa Kỳ sẽ phải hối hận vì đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Bất chấp việc trừng phạt của Mỹ, chúng tôi đã, đang và sẽ chứng minh bằng hành động thực tế cho thế giới thấy rằng Iran luôn giữ lời và thực hiện mọi cam kết của mình trong tất cả các thỏa ước quốc tế. Mục đích chính của ông Trump là tạo chiến tranh tâm lý để gieo rắc vào nhân dân Iran mối nghi ngờ về đường lối chính trị mà nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang theo đuổi”.

2 gói trừng phạt của Mỹ áp dụng cho Iran lần này:

Gói thứ nhất (áp dụng cho bước đầu tiên, có hiệu lực từ ngày 7/8/2018):

Cấm nhà nước và các công ty Iran (gọi tắt là phía Iran) mua bán đồng đô-la Mỹ.

Cấm phía Iran mua bán vàng và các loại quý kim khác với Mỹ.

Cấm mua bán và vận chuyển (từ Iran vào Mỹ và từ Mỹ vào Iran) than chì, thép và các loại kim loại màu (như nhôm, đồng), than đá… cũng như các loại nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Cấm các dịch vụ thanh khoản bằng đồng rial của Iran, cấm mua bán trái phiếu của Iran và cấm mua bán ô tô với phía Iran.

Cấm nhập khẩu vào Mỹ thảm Ba Tư và các loại đồ ăn thức uống, lương thực, thực phẩm… từ Iran, đồng thời cấm các chuyến bay thương mại từ Iran đến Mỹ.

Gói thứ hai (áp dụng cho bước tiếp theo, có hiệu lực từ ngày 5/11/2018):

Cấm kinh doanh dầu mỏ với phía Iran.

Hạn chế đến mức thấp nhất các giao dịch với phía Iran trong lĩnh vực năng lượng cũng như các giao dịch tiền tệ, thanh khoản với Ngân hàng trung ương Iran.

Cấm quan hệ với các cảng của Iran, với ngành vận tải đường biển và ngành đóng tàu của Iran.

Hạn chế đến mức thấp nhất quan hệ với hệ thống bảo hiểm của Iran và hạn chế trao đổi thông tin tài chính với phía Iran.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-khong-cho-phep-chau-au-bat-ca-hai-tay-520483.html