'Mỹ không có vật liệu sản xuất máy bay thế hệ 6'

Theo chuyên gia của tờ Zvezda, quá trình thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ gặp phải một số thất bại.

Nhận định trên được chuyên gia Nga đưa ra sau khi Không quân Mỹ tuyên bố đã tiến hành bay thử nguyên mẫu đầu tiên của dự án tiêm kích Làm chủ Bầu trời Thế hệ 6 (NGAD).

"Phía Nga được biết rằng trong lĩnh vực phát triển trí thông minh nhân tạo để chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 6, quá trình thử nghiệm mẫu máy bay biểu diễn thử nghiệm kích thước thật cho thấy hệ thống điều khiển của máy bay Mỹ chưa hoàn chỉnh, gặp trục trặc khi lấy độ cao.

Cụ thể, trong quá trình thử nghiệm, máy bay không thực hiện được một số lệnh điều khiển từ xa", chuyên gia của Zvezda nói và cho biết thêm rằng hiện nay Mỹ đang thiếu một số công nghệ để chế tạo loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6.

Hình ảnh được cho là tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ.

Hình ảnh được cho là tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ.

"Như đã biết, Mỹ không có loại hợp kim có thể chịu được nhiệt độ trong buồng đốt của động cơ hydro. Họ cũng không có vật liệu thích hợp để chế tạo cánh quạt động cơ.

Tình báo Mỹ không chỉ một lần tìm cách mua lại công thức các chất tương ứng ở Nga, nhưng tạ ơn Chúa, cho đến nay họ vẫn không đạt được điều đó", báo Zvezda cho biết và tin tưởng rằng dự án Igla của Nga "hơn một thập niên nay vẫn đi trước đối tác Mỹ trong lĩnh vực này".

Được biết, trong cuộc hội thảo của Hiệp hội Không quân Mỹ hôm 15/9, Tiến sĩ Will Roper, trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần cho biết:

"Chúng tôi đã chế tạo và bay thử một nguyên mẫu hoàn chỉnh với kích cỡ thật của máy bay thế hệ 6, đồng thời phá nhiều kỷ lục trong quá trình này. Chúng tôi sẵn sàng cho mẫu tiêm kích thế hệ tiếp theo".

Đây là mẫu tiêm kích đầu tiên được Mỹ thiết kế trong 20 năm qua, kể từ khi dự án Tiêm kích Tấn công Liên quân (JSF) được công bố và dẫn tới sự ra đời của chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Không quân Mỹ vẫn giữ bí mật mọi thông tin về dự án NGAD, trong đó có tiến độ, hình dáng và tính năng dự kiến, nhưng cho biết nó được thiết kế với sự hỗ trợ của máy tính (CAE).

Một nguyên mẫu cũng được thử nghiệm trong môi trường mô phỏng, trước khi nguyên mẫu ngoài đời thực được chế tạo. Lầu Năm Góc đánh giá cách phát triển này có thể cắt giảm tới 10% tổng chi phí dự án trong vòng 30 năm so với những thế hệ chiến đấu cơ trước đó.

NGAD là chương trình tập hợp của nhiều hệ thống vũ khí gồm máy bay có người lái và không người lái, lấy trọng tâm là tiêm kích tàng hình tầm xa mang tên mã "Xuyên thủng Lưới phòng không" (PCA).

Cách tiếp cận mới của dự án NGAD dự kiến cho ra đời nhiều loạt tiêm kích được chế tạo bởi các tập đoàn khác nhau, với mục tiêu phát triển và mua trang bị mới sau mỗi 5 năm.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-khong-co-vat-lieu-san-xuat-may-bay-the-he-6-3419772/