Mỹ không còn 'mập mờ' với Trung Quốc?

Mập mờ hay rõ ràng thì mọi chính sách của Mỹ muốn thành công đều phải phụ thuộc vào khả năng triển khai trên thực tế.

Mập mờ hay rõ ràng?

Giới phân tích quốc tế từng đưa ra nhận định rằng những thay đổi trong chính sách của Mỹ, từ chỗ mập mờ chiến lược cho tới một sự rõ ràng hơn, với cam kết bảo vệ Đài Loan nhằm ngăn Trung Quốc hiểu sai quyết tâm của Mỹ và vô tình kích động nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa các cường quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chiến thuật mập mờ là hiệu quả, thậm chí còn giúp Mỹ có sự linh hoạt tối đa.

Đánh giá về những nhận định này, trang phân tích Á-Âu có bài viết cho rằng các ý kiến cơ bản đều bỏ qua một điểm then chốt: mọi chính sách của Mỹ muốn thành công hay không đều phải phụ thuộc vào khả năng triển khai trên thực tế.

Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ

Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ

Để đảm bảo khả năng răn đe, Washington cần tiếp tục duy trì ưu thế năng lực trước Trung Quốc nhưng điều này có khả thi hay không lại còn là vấn đề bỏ ngỏ. Theo bài viết, Mỹ khép lại chiến thuật mập mờ chiến lược, và chính Trung Quốc đã kích thích kết cục này bằng cách thu hẹp dần khoảng cách về năng lực với Mỹ theo những phương cách rất đáng quan ngại.

Trong khi đó, sự rõ ràng chiến lược của Mỹ sẽ có nguy cơ trở thành một “mớ hỗn độn”, kém hiệu quả và thậm chí còn nguy hiểm hơn sự mơ hồ chiến lược mà nó thay thế. Mỹ sẽ ngày càng khó vượt qua các nỗ lực hiện đại hóa quân sự bền vững của Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan, đặc biệt là trong bối cảnh Washington phải trải dài các cam kết quân sự trên toàn cầu.

Theo trang phân tích Á-Âu, năng lực răn đe thông thường của Mỹ khó có khả năng làm thay đổi tham vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa và xây dựng quân đội cho đến khi cảm thấy tự tin trong vấn đề Đài Loan bằng các công cụ quân sự và chính trị. Các nỗ lực ngăn chặn và răn đe của Mỹ vì vậy đối mặt với bài toán về bắt kịp tốc độ tiến trình hiện đại hóa và xây dựng lực lượng này.

Để giải quyết điều này, Mỹ cần một cuộc cải tổ và tái cân bằng dài hạn, hợp lý các lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương, với thay đổi trong cả hậu cần và triển khai, thích ứng với những rủi ro đi kèm. Có một số tín hiệu cho thấy Mỹ đang quyết tâm đảm nhận những trách nhiệm này. Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã thông báo dỡ bỏ lệnh hạn chế giao thiệp giữa giới chức Mỹ-Đài và có một số động thái thúc đẩy mối quan hệ quân sự và hỗ trợ ngoại giao với Đài Loan.

Sức mạnh quân sự Mỹ đang suy giảm tương đối?

Theo trang phân tích Á-Âu, Trung Quốc luôn có động lực để theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình, và giờ đang tìm cách để củng cố hơn nữa sức mạnh nhằm hiện thực hóa những mục tiêu. Mỹ từng thành công trong việc răn đe Trung Quốc cả khi vận dụng các chiến lược rõ ràng chiến lược (trước năm 1979) và mơ hồ chiến lược (từ năm 1979).

Kết luận được đưa ra là, không một chính sách nào có cơ hội thành công lâu dài nếu Mỹ không có khả năng duy trì năng lực bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ bằng cách duy trì năng lực tương xứng nhằm răn đe Trung Quốc - dù mơ hồ, Mỹ mới có thể tiếp tục thành công.

Tín hiệu rắn từ Mỹ

Trên thực tế, chính quyền mới của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Joe Biden cũng đang phát đi tín hiệu “rõ ràng” với Trung Quốc. Ngày 9/2, hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung trong khu vực, vài ngày sau khi một tàu chiến Mỹ tiến lại gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát trong vùng biển tranh chấp vốn đã nổi lên như một điểm nóng khác trong căng thẳng quan hệ Trung-Mỹ.

Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz "đã tiến hành nhiều cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng năng lực chỉ huy và kiểm soát". Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên hai tàu sân bay tiến hành tập trận trên tuyến đường thủy đông đúc này kể từ tháng 7/2020.

Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ

Ngay trước đó, tàu khu trục USS John S. McCain đã tiến hành hoạt động mà Mỹ gọi là chiến dịch tự do hàng hải (FONOP). Đây là sứ mệnh FONOP đầu tiên của hải quân Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy của nhóm tác tấn công tàu sân bay Nimitz, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi cam kết đảm bảo việc sử dụng hợp pháp vùng biển mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Một chi tiết đáng chú ý khác là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tối 8/2 tuyên bố trên Twitter rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp mới đây đã cùng tàu hộ tống BSAM Seine thực hiện một cuộc tuần tra qua Biển Đông. Trên Twitter, bà Parly đăng ảnh 2 tàu hải quân Pháp trên biển cùng dòng tweet: “Chuyến tuần tra đặc biệt này vừa hoàn thành chặng đường ở Biển Đông. Đây là bằng chứng rõ ràng về năng lực của Hải quân Pháp trong việc triển khai từ xa và trong thời gian dài cùng với các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản”.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp

Pháp - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cũng có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương xung quanh các vùng lãnh thổ ở bên ngoài của họ và đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do đi lại trong khu vực. Bà Parly viết trên Twitter: "Tại sao một sứ mệnh như vậy lại diễn ra? Để làm giàu thêm hiểu biết của chúng ta về khu vực này và khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào nơi chúng ta căng buồm hướng tới”.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các đồng minh châu Á của Washington sau bốn năm được ông mô tả là “hỗn loạn” dưới thời chính quyền Donald Trump. Tờ Thời báo Nhật Bản cho rằng chiến dịch FONOP mới nhất chính là tín hiệu cho thấy chính quyền của ông Biden có thể đang tìm cách duy trì một số chiến lược mà chính quyền tiền nhiệm từng áp dụng.

Thời báo Nhật Bản dẫn lời ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đánh giá: “Các hoạt động này nhằm củng cố cho những tuyên bố công khai trước đó của chính quyền Biden về việc đối phó với Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh sử dụng biện pháp cưỡng ép ở eo biển Đài Loan và Biển Đông”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-khong-con-map-mo-voi-trung-quoc-3427420/