Mỹ không dại gì dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia

Coi Saudi Arabia là khách hàng béo bở, vì vậy không dại gì Mỹ chịu buông tay và dừng bán vũ khí cho quốc gia giàu có này.

Mỹ tuyên bố thẳng

Tờ Wall Street Journal trích dẫn thông tin của một số tài liệu riêng có được cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho phép tiếp tục hỗ trợ quân sự đối với chiến dịch không kích do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen bởi lệnh cấm vận sẽ gây thiệt hại 2 tỷ USD trong các hợp đồng buôn bán vũ khí của nước này với các đồng minh Vùng Vịnh.

Cùng với Mỹ, Bộ Kinh tế Đức cũng đã phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ nước này. Trong khi đó, Cựu sĩ quan CIA Philip Giraldi cho rằng, quyết định của Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện 2 thông điệp:

Một là, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Saudi Arabia và Israel gây áp lực đối với Iran nhằm tăng doanh thu từ buôn bán vũ khí. Hai là, cả hai nước này đều được Mỹ tin tưởng, ủy nhiệm đảm bảo ổn định cho khu vực bất ổn này.

Tiêm kích F-15 do Mỹ sản xuất trong Không quân Saudi Arabia.

Cách Mỹ kiếm tiền tại Trung Đông

Mỹ sẽ không thể bán vũ khí cho Saudi Arabia nếu như không xuất hiện mối đe dọa từ bên ngoài nhằm vào Riyadh. Và Mỹ đã mượn Iran làm ngáo ộp dọa đồng minh để thực hiện tham vọng bán vũ khí của mình.

Trong những năm gần đây, các quốc gia Arap vùng Vịnh đã chi hơn 700 tỷ USD cho các hợp đồng quân sự, trong đó chủ yếu là các nước đồng minh giàu có của Mỹ như Saudi Arabia, Israel, hay Qatar hoặc UAE…, nước nào chi ít cũng vài chục tỷ, nhiều thì hàng trăm tỷ USD mua vũ khí Mỹ.

Mỹ đã truyền cảm hứng cho các nước thuộc Vịnh Ba Tư rằng, Iran là kẻ thù tiềm tàng, mặc dù chính quyền Tehran không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông, ông Hisham Jaber, nói với truyền thông Nga rằng, vũ khí được các nước vùng Vịnh mua sắm không chỉ để chống khủng bố, mà còn để chiến đấu chống một kẻ thù tiềm năng nào đó, và không ai khác là Iran.

Vị chuyên gia này lưu ý rằng các loại vũ khí mua về không được sử dụng được trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì phần lớn tàu chiến, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa…, được định hướng để gây chiến với một quân đội của nước khác.

Hậu quả của việc Mỹ "thổi phồng tình hình xung quanh kẻ thù tiềm năng Iran" là vũ khí mua về không được sử dụng và dần dần biến thành một đống kim loại phế thải, sau đó, các nước này lại tiếp tục một vòng quay mua sắm vũ khí mới, giúp Mỹ ních đầy túi những đồng USD thấm đẫm dầu mỏ Trung Đông.

Theo ông, trong thời gian gần đây, Mỹ đã cho phép các nước Arap mở rộng kho vũ khí quân sự của họ và mua vũ khí của các nước châu Âu, ví dụ như Nga, Anh và Pháp. Tuy nhiên, số lượng này mua sắm này quá nhỏ bé so với nhà cung cấp chính là Mỹ.

Ông Jaber nhấn mạnh, với truyền thống kiếm lợi từ chiến tranh (từ Thế chiến thứ 2 đến nay), người Mỹ thừa kinh nghiệm để biết phải làm thế nào để buộc các quốc gia Arap phải tăng ngân sách quân sự để mua vũ khí của mình, nhằm giữ vững "thị trường vĩnh cửu" của mình.

Cũng giống như chiêu bài "con ngáo ộp Nga" ở châu Âu để bắt ép các đồng minh mua vũ khí; Washington chọc ngoáy vào tình hình Trung Đông, thúc đẩy các nước mâu thuẫn với Iran, để làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, các cuộc chiến tranh như ở Iraq đã được gây ra nhằm mục đích đó.

Ngoài việc mượn Iran là con ngáo ộp dọa giới lãnh đạo các nước Quân chủ Trung Đông, Mỹ thậm chí còn khoét sâu mâu thuẫn giữa các đồng minh của mình với nhau nhằm đạt được mục đích đen tối của mình, mà ví dụ điển hình là vụ khủng hoảng Qatar mới đây.

Clip chiến đấu cơ Mỹ trong Không quân Saudi Arabia phô diễn sức mạnh

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-khong-dai-gi-dung-ban-vu-khi-cho-saudi-arabia-3365916/