Mỹ không tấn công Triều Tiên vì lo...cho đồng minh?

Chuyên gia Mỹ thừa những lựa chọn quân sự của Mỹ, nhất là khi để xóa sổ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đều khá tồi tệ.

Lo cho đồng minh?

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố rằng "bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ hoặc lãnh thổ của Mỹ, kể cả Guam hay đồng minh của Mỹ, sẽ phải chịu sự đáp trả về mặt quân sự". Mặc dù phản ứng như vậy, song dường như Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không gây chiến với Triều Tiên.

Theo báo chí Mỹ, điều khiến dư luận rơi vào tình trạng lo lắng dường như là việc ông Mattis dùng từ "mối đe dọa". Nếu Triều Tiên chỉ đe dọa miệng thôi thì liệu Mỹ có nên tấn công? Liệu Mỹ và các đồng minh có tấn công nếu Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo lần nữa hay không?

Mỹ liên tục nói về mối đe dọa hạt nhân tên lửa từ Triều Tiên

Tờ The Week cho rằng một số người hiểu tuyên bố của ông Mattis có nghĩa là Washington có thể tiến hành một cuộc tấn công bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì, đặc biệt khi Bình Nhưỡng liên tục đe dọa tấn công hạt nhân Mỹ.

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI), Harry Kazianis cho rằng trên thực tế, Triều Tiên đã tạo nên những mối đe dọa như thế trong nhiều năm qua, và nên phớt lờ những lời đe dọa này, coi đó là một chiến dịch tuyên truyền ngớ ngẩn.

Chuyên gia này thừa nhận nếu nhìn vào những lựa chọn quân sự của Mỹ, nhất là khi để "xóa sổ" chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thì chúng đều khá tồi tệ. Để bắt đầu, cần tích lũy một lượng lớn tên lửa tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo có đủ phương tiện thực hiện mục đích đó. Điều đó có nghĩa là nhiều bom, tàu khu trục, tàu ngầm tấn công, bệ phóng tên lửa được điều chuyển nhiều hơn đến khu vực này.

Thách thức là tất cả những phương tiện này đều dễ bị phát hiện, khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tấn công trước, có thể bằng vũ khí hạt nhân với nhận thức rằng ông đang ở tình thế "hoặc là sử dụng hoặc là để mất chúng".

Hình ảnh quả bom nhiệt hạch được Triều Tiên công bố

Ông Kazianis đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu Triều Tiên không tấn công trước và Mỹ dàn xếp thành công việc tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Triều Tiên từ đường không và đường biển nhằm vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng?

Theo ông, để cuộc tấn công như vậy có hiệu quả, cần có tỷ lệ thành công 100%. Nếu bỏ lỡ 1 hoặc 2 quả bom nguyên tử, Triều Tiên sẽ có động cơ để sử dụng những gì còn lại đối với những mục tiêu lớn như thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) hay ở Los Angeles (Mỹ). Thậm chí, nếu Washington và các đồng minh tước đi mọi vũ khí hạt nhân trong kho của Triều Tiên thì Bình Nhưỡng vẫn có nhiều cách để tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với lý do này, chuyên gia Kazianis cho rằng hiện nay sự lựa chọn về quân sự không phải là giải pháp tốt nhất trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thay vào đó, Mỹ cần tìm cách kiểm soát mối đe dọa này.

Những lựa chọn cho nước Mỹ

Trong một bài viết khác trên trang mạng nationalinterest.org, chuyên gia Kazianis đánh giá vụ thử bom nhiệt hạch vừa qua của Triều Tiên là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Nếu Mỹ không có những hành động cụ thể, Triều Tiên sẽ sớm vũ khí hóa loại bom nguy hiểm này, gắn chúng vào các tên lửa với đích đến là mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Theo ông, có 4 việc Mỹ cần phải làm mà trước hết là phải nỗ lực tối đa để cắt đứt mọi nguồn cung tài chính cho Triều Tiên, cản trở việc phát triển chương trình hạt nhân và chế tạo bom H. Mục tiêu của hành động này - tương tự các lệnh trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa thông qua vài tuần trước - là hạn chế dòng tiền từ nước ngoài mà Bình Nhưỡng dùng để phục vụ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên Hoa Đông

Thứ hai, Mỹ cần phải tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ cần củng cố và hiện thực hóa cam kết từng được người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra trong việc “xoay trục” hay “tái cân bằng” tại châu Á, đưa khu vực này lên hàng đầu trong các vấn đề an ninh quốc gia trọng yếu.

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải bổ sung thêm vào con số 60% lực lượng hải quân hiện đang được triển khai tại khu vực Thái Bình Dương với các tàu ngầm có trang bị tên lửa hạt nhân dẫn đường hay tàu ngầm tấn công, cũng như hệ thống tên lửa Aegis đủ sức chống lại các cuộc tấn công từ Triều Tiên.

Thứ ba, Mỹ phải củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất trong khu vực tương tự những gì đang được triển khai trong nước. Washington cần nhanh chóng phối hợp với Nhật Bản để đưa vào vận hành các khẩu đội PAC-3 bổ sung cũng như Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Một địa điểm triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc

Hơn thế nữa, Mỹ nên mở rộng quy mô và số lượng các hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) để phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên.

Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump cần phải tìm cách khẳng định rằng Mỹ đã, luôn và sẽ cương quyết không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, và rằng mọi giải pháp luôn luôn được tính đến.

Theo chuyên gia Kazianis, những gì đang diễn ra là cái giá mà Mỹ phải trả cho việc không dành đủ sự quan tâm và nỗ lực cho một thách thức an ninh quốc gia nghiêm trọng, vốn phải là vị trí hàng đầu và trung tâm trong các chính sách từ những thời tiền nhiệm.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-khong-tan-cong-trieu-tien-vi-locho-dong-minh-3342539/