Mỹ không thể giúp châu Âu quên 'nỗi nhớ' khí đốt Nga

Châu Âu muốn Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng chủ đạo, thay thế khí đốt Nga trên thị trường này, nhưng mong muốn của họ khó thành sự thật.

Nền công nghiệp châu Âu, đặc biệt là "đầu tàu" Đức theo nhận xét đạt được thành tựu như ngày nay một phần quan trọng nhờ vào nguồn năng lượng giá rẻ được cung cấp ổn định, trong đó "xương sống" chính là khí đốt Nga.

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi từ sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận, dẫn tới hành động trả đũa cũng không kém phần quyết liệt từ phía Nga, dẫn tới nguy cơ gây khủng hoảng năng lượng.

Để thay thế khí đốt Nga, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang quay sang Mỹ với hy vọng sẽ giúp giải quyết khó khăn. Nhưng liệu Washington có đáp ứng được hy vọng của EU? Câu hỏi này đã được tờ Financial Times (FT) đưa ra và tìm cách giải đáp.

Theo hai nhà phân tích Shotaro Tani và Sylvia Pfeiffer của tờ FT, các tập đoàn công nghiệp lớn của châu Âu hiện "đang bị mắc kẹt ở ngã tư đường", họ cần phải nhanh chóng tìm ra hướng đi tiếp theo sau khi nghiên cứu tình hình.

Ngành công nghiệp EU đang rơi vào khó khăn, để thoát khỏi tình trạng này cần có sự đầu tư và quan trọng nhất là niềm tin vào an ninh năng lượng cũng như sự thịnh vượng. Khi đó các doanh nghiệp có thể chấp nhận rủi ro và đầu tư lớn để mong đợi tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng vấn đề hiện nay là sau khi "đoạn tuyệt" với khí đốt Nga, châu Âu buộc phải tìm kiến an ninh năng lượng từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, bất chấp giá thành cao hơn rất nhiều.

Một ví dụ điển hình được tờ FT đưa ra đó là tập đoàn luyện kim khổng lồ ArcelorMittal hiện đang phải dựa vào LNG Mỹ để duy trì hoạt động sản xuất thép ở châu Âu của mình.

Trước đó, những doanh nghiệp lớn khác của châu Âu như Ineos và BASF cũng đã phải nhanh chân ký hợp đồng dài hạn để đặt mua LNG từ Mỹ với số lượng lớn.

"Trên thực tế, nếu chúng ta gạt bỏ định kiến sang một bên và nói thẳng rằng châu Âu - được đại diện bởi các doanh nghiệp lớn, đang muốn Mỹ trở thành 'nước Nga mới' trong lĩnh vực năng lượng".

"Giải thích ngắn gọn tức là châu Âu muốn Mỹ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu ổn định và đáng tin cậy để mang tới sự thịnh vượng cho Cựu lục địa một lần nữa", tạp chí FT nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về mong muốn như vậy của châu Âu, bởi vì có sự khác biệt nhất định giữa Liên bang Nga và Mỹ trong vai trò nhà cung cấp năng lượng.

Những đường ống dẫn khí đốt của Nga đóng vai trò như "chiếc mỏ neo" giúp cả bên mua và bên bán kiếm được lợi nhuận. Trong khi đó nhiên liệu giá rẻ không thể đạt được khi phải nhập khẩu LNG của Mỹ bằng đường biển.

Theo dự đoán trong thời gian tới, thế giới sẽ chứng kiến nhiều giao dịch LNG hơn tại châu Âu, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp EU đã quay trở lại thời kỳ tươi sáng.

Thậm chí điều này có nghĩa là ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải đối mặt với chi phí cao và giảm lợi nhuận sản xuất, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Rõ ràng khí đốt Nga vẫn là mặt hàng không thể thay thế tại châu Âu, bất chấp những nỗ lực của Cựu lục địa tìm kiếm nguồn cung cấp mới từ Mỹ hoặc Trung Đông.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-khong-the-giup-chau-au-quen-noi-nho-khi-dot-nga-post559102.antd