Mỹ - khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Nhìn lại để định hướng

Bản báo cáo về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố. Giải mã một số thông điệp chính của Mỹ. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

“Tứ giác kim cương” được dựng làm trung tâm cho Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở giờ có thêm hai đối tác nữa ở khu vực liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Sự trùng hợp về thời điểm được để ý đến. Nhưng ở lần này, sự trùng hợp ấy về thời điểm xem chừng ngẫu nhiên nhiều hơn là được chủ ý.

Bản báo cáo 32 trang của Bộ Ngoại giao Mỹ về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được phía Mỹ công bố gần như cùng thời điểm với tuyên bố của ASEAN và 5 nước đối tác về việc sẽ ký kết Hiệp ước Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020. Năm nước đối tác kia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Vào phút cuối, Ấn Độ đã quyết định không tham gia RCEP nữa. Trong RCEP, Trung Quốc có vị thế và ảnh hưởng lớn, nhưng trong đó có sự tham gia của một số đối tác được Mỹ gắn kết vào chiến lược của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ lại còn là đối tác quan trọng của ASEAN và Mỹ cũng rất coi trọng ASEAN. Bởi thế, nếu có đem ra so sánh thì sẽ không thể không nhận thấy Mỹ lo ngại về RCEP không bằng Trung Quốc lo ngại về những gì Mỹ và các đối tác cùng nhau thực hiện trong khuôn khổ ý tưởng Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hiệu ứng "đối nội" quan trọng

Trên danh nghĩa chính thức, bản báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ là sự cập nhật những gì phía Mỹ đã làm riêng cũng như cùng các đối tác liên quan trong thời gian qua phục vụ cho việc thực hiện ý tưởng về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông điệp đối ngoại mà phía Mỹ muốn phát đi gửi tới các nước trong khu vực là Mỹ kiên định thực hiện ý tưởng này chứ không đánh trống bỏ dùi trong khi thông điệp đối nội từ đó là chính quyền của Tổng thống Donald Trump có tầm nhìn mới mà còn xa hơn và chiến lược hơn so với chính quyền tiền nhiệm đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tình cảnh gặp khó khăn ngày càng nhiều và bị khó xử ngày càng tăng ở Mỹ, ông Trump càng cần tác động và hiệu ứng đối nội của mọi thành quả đối ngoại.

Trong thực chất, bản báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ là dùng sự nhìn lại để thể hiện định hướng hành động của Mỹ trong chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. So với tất cả các văn kiện chính sách chính thức hoặc hàm chứa quan điểm chính sách của chính quyền của ông Trump thể hiện cho tới nay về chiến lược này thì báo cáo nói trên vừa bao trùm và đầy đủ lại vừa chi tiết và cụ thể rõ ràng hơn cả. Có thể lọc được ra từ đó 4 điều đáng được chú ý đến hơn cả.

Cụ thể hóa và hoàn chỉnh chiến lược

Thứ nhất, lần đầu tiên phía Mỹ gắn kết chiến lược này với chiến lược hay chính sách của các đối tác khác để thể hiện là Mỹ không riêng biệt mà đồng hành cùng các đối tác. Ở trang 8 của báo cáo ấy ghi rất rõ và cụ thể là tầm nhìn và cách tiếp cận của Mỹ gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, với Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, với Kế hoạch Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Australia, với Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc và Chính sách mới gắn kết với phương Nam của Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ loại Trung Quốc ra ngoài nhưng lại kéo Đài Loan vào cuộc chơi này. Cái gọi là “Tứ giác kim cương” được dựng làm trụ cột và trung tâm cho Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở giờ có thêm hai đối tác nữa ở khu vực liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Thứ hai, báo cáo này liệt kê đầy đủ những gì Mỹ đã làm riêng và cùng các đối tác nói trên cho tới nay và qua đó thể hiện quan điểm cũng như định hướng của Mỹ cho thời gian tới. Nó giống như sự cụ thể hóa và hoàn chỉnh hóa chiến lược của Mỹ cho khu vực này, bao trùm lên nhiều lĩnh vực với nội dung và dự án hợp tác cụ thể. Qua đó, người ngoài không thể không có cảm nhận là Mỹ đưa ra và thực hiện một chiến lược ở khu vực mà là một ý tưởng chiến lược của Mỹ cho các đối tác trong khu vực với sự tham gia cùng thực hiện của các đối tác này và thậm chí còn với cả sự phân công, phân vai để thực hiện.

Gọi đích danh mục tiêu đối phó

Thứ ba, Trung Quốc cùng với Triều Tiên và Nga bị nêu đích danh trong ấy là địch thủ mà Mỹ chủ định và phải đối phó, chiến tranh mạng từ 3 nước này và mưu đồ cũng như hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông được Mỹ coi là những thách thức an ninh lớn nhất về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế, đòi hỏi Mỹ phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu để đối phó. Ở đây thể hiện sự đan xen giữa nhận thức của Mỹ là phải vượt qua được những thách thức kia thì mới có thể thực hiện thành công chiến lược cho khu vực và chủ ý sử dụng chính chiến lược này để đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở khu vực.

Thứ tư, phía Mỹ muốn phát đi thông điệp tới các nước trong khu vực là nên tin tưởng Mỹ và hoài nghi Trung Quốc, nên gắn kết với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc.

Thật ra, Mỹ chỉ thể hiện ý đồ, lợi ích và định hướng chiến lược theo đuổi lâu nay ở khu vực bằng ngôn từ khác, theo cấu trúc khác và đặt vào khuôn khổ khác cũng như thực hiện theo cách khác trước mà thôi.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-nhin-lai-de-dinh-huong-104053.html