Mỹ lại lo Nga can thiệp bầu cử tổng thống 2020

Quan chức an ninh bầu cử hàng đầu của cộng đồng tình báo Mỹ đã gửi một báo cáo ngắn đến Ủy ban Tình báo Quốc gia tại Hạ viện cảnh báo rằng, Nga đã thực hiện các bước để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 với mục tiêu giúp Tổng thống Donald Trump chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai.

Quan chức an ninh bầu cử hàng đầu của cộng đồng tình báo Mỹ đã gửi một báo cáo ngắn đến Ủy ban Tình báo Quốc gia tại Hạ viện cảnh báo rằng, Nga đã thực hiện các bước để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 với mục tiêu giúp Tổng thống Donald Trump chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2019. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2019. Ảnh: AP

Báo cáo do quan chức an ninh bầu cử Shelby Pierson trình bày, và các nguồn tin của tờ New York Times cung cấp đã đề cập đến bức tranh tổng thể về những nỗ lực của Nga, bao gồm tấn công mạng, vũ khí hóa phương tiện truyền thông xã hội và tấn công vào cơ sở hạ tầng bầu cử - những cáo buộc Nga luôn bác bỏ. Báo cáo cho biết, Moscow rất ủng hộ ông Trump, nhưng việc giúp ông Trump tái đắc cử không phải là điều duy nhất họ đang cố gắng làm vì nó cũng được thiết kế để đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn của quá trình bầu cử.

Một nguồn tin giấu tên biết về cuộc họp nói với Reuters rằng, các quan chức tình báo nói với các nghị sĩ vào tuần trước rằng Nga đang can thiệp vào cuộc bầu cử 2020, với mục tiêu gây hoài nghi kết quả bỏ phiếu và tăng khả năng đắc cử của ông Trump. Theo nguồn tin này, nghị sĩ từ cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đã chất vấn các đánh giá trên của giới tình báo. Đặc biệt là các nghị sĩ Cộng hòa “phản ứng như mọi người cũng đoán được. Họ nổi đóa... và hoài nghi các kết luận”. “Người Nga đang muốn đẩy mạnh một ứng viên, đồng thời tiếp tục kế hoạch của mình can thiệp bầu cử”, nguồn tin này nói, và cho biết giới tình báo đã kết luận ứng viên đó là Tổng thống Trump.

Thay Giám đốc DNI

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Trump giận dữ trong cuộc họp với Giám đốc đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) sắp mãn nhiệm Joseph Maguire tuần trước vì đã cho phép thông tin về những nỗ lực can thiệp của Nga được đưa vào cuộc họp.

Tổng thống Mỹ cho rằng, ông Maguire cùng nhân viên của ông không cho thấy sự trung thành. Với nhận thức của họ về các mối quan ngại đến từ Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã phản ứng rất dữ dội và dẫn tới quyết định thay thế vị trí của ông Maguire. Tờ New York Times dẫn các nguồn tin thân cận với tình huống này cho rằng, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu ông Maguire tới Phòng Bầu dục và đã chỉ trích rất nhiều. Ông Trump nghĩ các nhân viên tình báo tin rằng, Nga đã giúp ông thắng cử nhiệm kỳ trước và có thể trong tương lai.

Ông Trump phê bình ông Maguire vì sự có mặt của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff trong buổi họp của Ủy ban Tình báo Quốc gia tại Hạ viện. Ông Schiff là người đã dẫn đầu nỗ lực luận tội Tổng thống Trump, nhưng tổng thống được trắng án. Một cựu quan chức tình báo cấp cao đã bác bỏ quan điểm cho rằng ông Pierson đã đối xử ưu tiên đối với ông Schiff và đảng Dân chủ trong cuộc họp về an ninh bầu cử, thay vào đó phản ứng của ông Trump cho thấy ông và cộng đồng tình báo "vẫn không thể thảo luận về chủ đề này". "Những gì cộng đồng tình báo coi là báo cáo sự thật thì tổng thống lại coi là hành động làm suy yếu tính hợp pháp của mình", cựu quan chức này cho biết.

Hôm 19-2, ông Trump tuyên bố quyết định thay thế Giám đốc DNI Maguire bằng Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell mặc dù ông này không có kinh nghiệm về tình báo. Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ cho biết các quan chức Nhà Trắng đã xem ông Grenell là một lựa chọn phù hợp cho vị trí quyền Giám đốc DNI. Tờ Washington Post bình luận, sự khủng hoảng ở bộ máy quan trọng của cộng đồng tình báo là động thái mới nhất trong một cuộc thanh trừng sau luận tội.

Nga bác bỏ

Điện Kremlin ngày 21-2 tuyên bố, sự nghi ngờ của giới chức tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp chiến dịch tranh cử năm 2020 và tìm cách tăng cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump là không đúng và là kết quả của bệnh hoang tưởng. Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Đây là những tuyên bố hoang tưởng, mà chúng tôi lấy làm tiếc, sẽ sinh sôi nảy nở rằng chúng tôi tiếp cận cuộc bầu cử Mỹ. Chúng không có thật".

Bản thân ông Trump đã nhiều lần hạ thấp nỗ lực của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và đã bác bỏ những phát hiện của các cơ quan tình báo. Đáng chú ý nhất, tại hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan, vào tháng 7-2018 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông nói ông tin tưởng sự phủ nhận của ông Putin là “rất thuyết phục và mạnh mẽ”. Kể từ đó, các quan chức tình báo Mỹ tiếp tục cảnh báo về những nỗ lực của Nga trong việc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ, lưu ý các mối đe dọa đối với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 và cuộc đua tổng thống năm 2020.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_220635_my-lai-lo-nga-can-thiep-bau-cu-tong-thong-2020.aspx