Mỹ làm cách nào để tự vệ trước vũ khí siêu thanh từ Nga và Trung Quốc

Lực lượng vũ trang Mỹ gặp phải một vấn đề, đó là Nga và Trung Quốc đang tạo ra vũ khí siêu thanh, James Grant, chuyên gia nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ, viết như vậy trên The National Interest.

Tên lửa Mỹ. (Ảnh minh họa, nguồn: Sputnik)

Cơ quan Phát triển Không gian (SDA), một bộ phận mới của Lầu Năm Góc, đã đưa ra yêu cầu phát triển hệ thống theo dõi tiên tiến cho tên lửa từ ngoài vũ trụ.

Cùng với Mỹ, vũ khí động lực thế hệ tiếp theo - tên lửa siêu thanh - cũng đang được Nga và Trung Quốc phát triển.

Các hệ thống vũ khí siêu thanh được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có do chuyển động với tốc độ "đáng kinh ngạc" - gấp 27 lần tốc độ âm thanh - và có khả năng cơ động cao.

“Về mặt tiến bộ công nghệ, đối thủ của chúng ta đang ngang hàng với chúng ta và trong một số trường hợp thậm chí là vượt trội, Lầu Năm Góc nên ưu tiên nghiên cứu và phát triển tự vệ chống lại vũ khí siêu thanh”, quan sát viên của The National Interest nhấn mạnh.

"Đối thủ tiềm năng gần nhất"

Sức mạnh quân sự của Mỹ dựa trên khả năng bao quát vũ lực trên một khoảng cách xa - dựa trên khả năng cung cấp sức mạnh áp đảo của quân đội, tàu chiến, máy bay và tên lửa đến bất kỳ nơi nào trên thế giới trong một khoảng thời gian ngắn.

Hai đối thủ cạnh tranh tiềm năng nhất của Mỹ - gồm Nga và Trung Quốc – được dự báo chưa sở hữu sức mạnh này, vì vậy vũ khí siêu thanh sẽ cung cấp cho lực lượng vũ trang của họ một công cụ mạnh mẽ trong khuôn khổ hệ thống chống tiếp cận A2AD để hạn chế việc triển khai lực lượng.

Mỹ đã nối lại chương trình vũ khí siêu thanh thời Chiến tranh Lạnh, bao gồm tài trợ cho các hệ thống vũ khí tấn công, như bệ phóng tên lửa siêu thanh, tên lửa cho tàu ngầm và tàu chiến, cũng như hệ thống trên không.

Làm thế nào để tự vệ?

Các hệ thống phòng thủ truyền thống của Mỹ, như Aegis BMD và THAAD, hiện tại không được trang bị để bảo vệ tài sản của Mỹ khỏi các mối đe dọa giả định.

Ngay cả phòng thủ tên lửa truyền thống cũng yêu cầu theo dõi mục tiêu, truyền dữ liệu tốc độ cao và đánh chặn. Lớp cảm biến dựa trên không gian có thể giúp cải thiện nhận thức tình huống và do đó cung cấp cho các hệ thống hiện tại khả năng để đối phó với mối đe dọa. Hơn nữa, lợi thế từ lớp cảm biến không gian sẽ không bị giới hạn trong việc phòng thủ tên lửa.

“Tuy nhiên, giờ đây điều này đang phụ thuộc vào Quốc hội liệu có thể thực hiện một hệ thống như vậy hay không. Với nguồn tài trợ phù hợp cho nghiên cứu và phát triển, các nhà lập pháp có thể giúp Mỹ biến cảm biến không gian thành hiện thực và làm điều này trước khi những kẻ thù của chúng ta vượt lên phía trước”, James Grant viết trên The National Interest.

(theo The National Interest)

BQT

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-lam-cach-nao-de-tu-ve-truoc-vu-khi-sieu-thanh-tu-nga-va-trung-quoc-118953.html