Mỹ làm gì khi Thổ Nhĩ Kỳ đặt dao vào sườn NATO?

Mỹ không tìm được đáp số của một phương trình vô nghiệm với 2 biến số Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd Syria.

NATO mà không có Mỹ thì giải tán là không phải bàn, nhưng NATO không có Thổ Nhĩ Kỳ thì NATO cũng như…xác sống.

Quả thật, đây là những tin tức không thể tin nổi với một Liên minh quân sự hùng mạnh nhất từ trước đến nay gồm 29 thành viên do Hoa Kỳ - siêu cường số 1 thế giới đứng đầu mang tên: Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Lịch sử thật thú vị ở chỗ, đối đầu với NATO là một liên minh quân sự mạnh không kém mang tên Khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu. Khối Warsaw tự giải thể bởi do Liên Xô sụp đổ, còn bây giờ, Hoa Kỳ không sụp đổ nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ…đã khiến cho tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron không sai: NATO đã “chết não”!

Điều 5 NATO “hữu danh vô thực”!

Câu thần chú của NATO do Mỹ đứng đầu là NATO là khối quân sự duy nhất bảo đảm an ninh châu Âu. Xương sống cho sự tồn tại của NATO là điều 5, theo đó, bất kỳ một thành viên nào của NATO bị tấn công thì sẽ bị cả khối NATO đáp trả. Vì vậy, có nhiều quốc gia đất hẹp, người ít đã bất chấp, cố sống, cố chết để xin được vào NATO.

Kể từ khi khối Warsaw giải thể thì chưa có điều kiện để điểu 5 kích hoạt, nhưng kể từ khi Nga trỗi dậy thì Điều 5 của NATO đã được thử…

(Lưu ý là Nga không hùng hậu, không có vị thế như Liên Xô, nhưng có những thứ mà Liên Xô không thế có, đó là sự quyết tử (vì NATO đã đến trước cửa nhà) và huyền thoại “bất khả xâm phạm” và “ưu thế quân sự” của Mỹ đã bị Nga đánh sập).

Phép thử đầu tiên: Năm 2015, sau khi bắn hạ một chiếc máy bay SU-24 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hoảng sợ “ viện đến NATO” nhưng Mỹ tuyên bố thẳng thừng: “Đó là việc của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Mỹ-NATO không liên quan”. Vậy, điều 5 NATO còn gì để nói…nếu như Nga tấn công Thổ Nhĩ Kỳ?

Phép thử thứ hai là của Anh quốc. Nước Anh thời bà Therse May làm thủ tướng đã la hét, cáo buộc cho Nga là đã “sử dụng VKHH tấn công nước Anh”. Với cáo buộc đó, theo nguyên tắc điều 5 NATO phải được kích hoạt, vì đây là hành động quân sự của Nga tấn công vào Anh.

Rốt cuộc, do vị thế nước Anh trong NATO rất lớn, nhưng NATO vẫn chỉ trục xuất ngoại giao cho có lệ và, ngầm nói rằng, nước Anh có VKHN, mạnh thứ 2 sau Mỹ thì…xử Nga trước đi, chúng tôi xem xét, sẽ nhào zô nếu có thể. Vậy, điều 5 NATO liệu còn gì để nói…khi Nga đã tấn công nước Anh bằng VKHH?

Tiếp theo, Ukraine, Gruzia cho đến bây giờ vẫn mù quáng không chịu hiểu là tại sao họ quyết tử với Nga như thế mà NATO vẫn chưa kết nạp họ vào khối. Đơn giản là họ không kết nạp 2 quốc gia này vào khối vì chỉ 1 giờ sau khi kết nạp, họ phải lựa chọn hoặc kích hoạt điều 5 chiến đấu với Nga hoặc để mất 2 quốc gia này. Mỹ-NATO không muốn chiến đấu với Nga và cũng không muốn mất 2 quốc gia này nên…vậy thôi.

Như vậy, điều 5 NATO là không có gì để nói với Nga, nhưng, tuy thế…vẫn có gì để nói với các quốc gia khác trừ Nga đấy, chẳng hạn như Afganistan, Libya, Nam Tư…

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ...

Mỹ phạm sai lầm khi chủ quan, coi thường Thổ Nhĩ Kỳ để "ngoại tình" với YPG người Kurd Syria...

Rõ ràng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kể từ vụ SU-24 Nga đã hết tin vào NATO sau khi ông đã nhận thức đúng, đủ, những điều này xảy ra:

1, Sức mạnh quân sự Mỹ-NATO tại Trung Đông và trên chiến trường chính Syria đã không dám đối đầu với Nga. Sức mạnh của Mỹ phải xem lại khi Nga đã thiết lập ra một quy tắc chơi mới mà Mỹ - NATO ngồi nhìn.

2, NATO không coi lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ là gì khi đã hỗ trợ cho người Kurd, YPG mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố.

3, Mỹ-NATO đã thế, lại tổ chức đảo chính quân sự, lật đổ Erdogan.

Trong bối cảnh một sự khủng hoảng như vậy thì không cần là một chính khách hay một nhà quân sự tài ba thì đều cho rằng: Cảnh giác với NATO, độc lập với NATO, tự bảo vệ mình là một quyết sách cần thiết, hợp lý.

Trong khi đó, bên cạnh Erdogan lại có một người Nga là Putin – Trùm KGB đầy mưu mô và sức mạnh, nhưng biết “lắng nghe và thấu hiểu” Erdogan. Cả hai như một “cặp bài trùng” trong chiến lược Syria và Trung Đông…

Kết quả: Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ về quân sự và kinh tế…

Về quân sự:

-Cùng nhau xử lý tình hình Syria, dồn Mỹ ra khỏi Syria

-Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga và đang đưa F-16, F-4 làm mục tiêu cho S-400 diễn tập…

-Thổ Nhĩ Kỳ không ký vào “kế hoạch của NATO bảo vệ Ba Lan và các nước vùng Baltic (Latvia, Litva và Estonia) trong trường hợp bị Nga tấn công” (kế hoạch này có giá trị khi chỉ khi phải có tất cả 29 thành viên ký).

Về kinh tế: Một buổi lễ ra mắt đường ống dẫn khí Turk Stream được lên kế hoạch cho thập kỷ đầu tiên của năm tới. Tầm quan trọng của dự án này đối với cả phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đến mức truyền thông 2 nước cho rằng giá trị của nó “không thể lặp lại”.

Với châu Âu, trong viễn cảnh chấm dứt vận chuyển khí qua Ukraine từ ngày 1/1/2020 thì sự quan tâm đến “chuỗi” mang “nhiên liệu xanh” đi qua Biển Đen gấp nhiều lần cái “kế hoạch bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic khi bị Nga tấn công” mà Mỹ lấy Nga làm con ngáo ộp.

Đến đây có 2 câu hỏi cũng là một mâu thuẫn không thể dung hòa mở ra cho Mỹ-NATO và Thổ Nhĩ Kỳ:

Một là, liệu có một thành viên NATO nào như Thổ Nhĩ Kỳ, lại có thể đi hợp tác chiến lược với một quốc gia mà NATO coi là kẻ thù, là đối tượng tác chiến trực tiếp, nguy hiểm không?

Hai là, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cần một đồng minh NATO ủng hộ “kẻ khủng bố” đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và đã, sẽ tổ chức đảo chính quân sự, giết Tổng thống để lật đổ chính quyền đương nhiệm hay không?

Với góc nhìn NATO, về logic quân sự và chính trị thì rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ phải bị trục xuất khỏi NATO. NATO không thể để Thổ Nhĩ Kỳ đưa mũi dao găm vào cạnh sườn của mình. Nhưng…nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO thì sao?

Nói thật, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại ở NATO mà chưa rời khỏi nó thì Tổng thống Pháp Macron đã trả lời cho câu hỏi này: “NATO đã chết não”. Do vậy nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO thì NATO tự tan rã giống như Khối Warsaw ngày nào.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-lam-gi-khi-tho-nhi-ky-dat-dao-vao-suon-nato-3392275/