Mỹ lâm nguy vì đối đầu Nga?

Mỹ cần cải thiện quan hệ với Nga nếu muốn bảo vệ những thế hệ sau khỏi một tai họa do những tai nạn và tính toán sai lầm của hai bên.

Mỹ muốn tránh tai họa

Tờ National Interest (NI) của Mỹ có bài viết cho rằng nước này cần đối mặt với Nga như đúng bản chất của Moscow, chứ không phải như Washington mong muốn.

Bài viết nhấn mạnh, kẻ thù của nước Mỹ không phải là Nga mà là những tin tức giả mạo và nỗi sợ hãi, đồng thời đề xuất ba bước đi nhằm giúp Mỹ khôi phục quan hệ với Nga.

Tác giả của bài viết trên NI là Ortblad và Mehta mới đây đã tham gia chuyến nghiên cứu thực tế do Trung tâm Sáng kiến Công dân tổ chức tới Moscow, St Petersburg, và Crimea. Đoàn nghiên cứu đã đi tới nhiều thành phố ở Nga, gồm Kaliningrad, Krasnodar, Novgorod, Orenburg, Perm, Ufa, và Yekaterinburg.

Bài viết của hai tác giả Ortblad và Mehta trên National Interest

Bài viết của hai tác giả Ortblad và Mehta trên National Interest

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng, ông Ortblad và Mehta cho rằng điều quan trọng là cần tìm ra những lĩnh vực để Nga và Mỹ có thể dần dần cải thiện quan hệ bởi mối quan hệ trục trặc với Nga khiến cho các lợi ích an ninh của chính nước Mỹ cũng bị nguy hiểm.

Hai tác giả người Mỹ cho biết chuyến đi thực tế của họ tập trung vào những thay đổi mà các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, đồng thời thừa nhận đã được tận mắt chứng kiến phần lớn người dân Nga rất tôn trọng Tổng thống Vladimir Putin và cách thức mà ông ổn định nền kinh tế Nga sau khi nền kinh tế nước này "rơi tự do" thê thảm vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Ông Ortblad và Mehta cũng gặp các nhà khoa học hạt nhân và những nhà đàm phán kiểm soát vũ khí - những người đã bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và hiện không có bất kỳ một cuộc đàm phán nào về vấn đề kiểm soát vũ khí. Rất nhiều người dân Nga, từ già tới trẻ, cảm thấy xa lạ với nước Mỹ như kết quả của bầu không khí bài Nga đang thịnh hành ở Mỹ.

Bài viết khẳng định, không có điều nào trong số này tốt cho nước Mỹ hay cho Nga. Câu trả lời được cho là nằm ở ba bước đi khẩn cấp mà Mỹ cần thực hiện nếu muốn bảo vệ những thế hệ sau khỏi một tai họa có thể xảy ra, là kết quả của những tai nạn và tính toán sai lầm của cả hai bên.

Người Mỹ sợ tai họa do tính toán sai lầm

Bước đi đầu tiên được đề xuất là “chào đón giới trẻ Nga và kết nối với họ”. Theo đánh giá của hai tác giả người Mỹ, những người dưới 30 tuổi ở Nga đều biết tới quyền tự do đi lại và tự do tiếp cận thông tin trong nền kinh tế mới của Nga. Đó là thế hệ trẻ mà Mỹ không nên đánh mất bằng chính sách trừng phạt, vốn càng khiến họ tin rằng phương Tây chỉ tìm cách phá hoại nước Nga và tương lai của họ.

Do đó, các chương trình trao đổi sinh viên với Mỹ và châu Âu được hai tác giả này đánh giá có thể giúp ngăn chặn giới trẻ ở Nga rơi vào oán giận.

Qua chuyến đi thực tế, Ortblad và Mehta cho rằng các chương trình trao đổi sinh viên và trao đổi học thuật trên khắp nước Nga đang giảm xuống, ví dụ như ở Irkutsk, các chương trình trao đổi sinh viên tích cực trước đây với Mỹ đã bị đình lại.

Ở Crimea, tại Đại học Simferopol, chương trình trao đổi truyền thống với một trường đại học lớn của Mỹ đã chấm dứt vì các lệnh trừng phạt và bầu không khí bài Nga ở Mỹ.

Hai tác giả người Mỹ cũng nêu lên thực trạng là sau khi đóng cửa các lãnh sự quán của nhau, đại sứ quán Mỹ ở Moscow không thể giải quyết hết số đơn xin thị thực ngày càng gia tăng. Sinh viên và các học giả phải đợi nhiều tháng trời, đôi khi là hàng năm, mới được cấp thị thực vào Mỹ.

Ortblad và Mehta cho rằng điều này cần phải thay đổi nếu Mỹ không muốn đánh mất thế hệ trẻ ở Nga, những người có thể trở thành đối tác của Mỹ trong một tương lai tốt đẹp hơn.

Khó thay đổi định kiến

Trong bước đi thứ hai được đề xuất, Ortblad và Mehta cho rằng cần “giảm mối đe dọa hạt nhân và xem xét lại vai trò của NATO”.

Hai tác giả này nhấn mạnh thế giới không trở nên an toàn hơn khi NATO tăng quân ở khu vực biên giới với Nga lên 5 lần, khi các vũ khí tấn công và phòng thủ đang dần sáp nhập vào nhau, và khi một cuộc chạy đua vũ trang mới bao gồm cả các tên lửa siêu thanh, các ngư lôi hạt nhân, và các hệ thống lade tầm xa.

Do đó, hai ông cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại trong nội bộ NATO về cách các thành viên nhìn nhận về mối đe dọa Nga để đưa ra một quan điểm thống nhất.

Quan điểm khác biệt của các nước thành viên đã gây ra những rạn nứt nghiêm trọng - việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga, hay Đức phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt mới xuất phát từ Nga và đi qua Biển Baltic.

NATO tăng quân ở khu vực biên giới với Nga lên 5 lần

Bước đi thứ ba được đề xuất là “xem xét lại chính sách trừng phạt và quan điểm của Mỹ về Crimea”. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc kẻ thù phải đi tới thỏa hiệp, chứ không phải đầu hàng.

Ví dụ được nêu ra là việc Mỹ trừng phạt Ba Lan trong những năm 80 của thế kỷ trước với thông điệp rõ ràng và một lộ trình để gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Với Nga hiện nay, Mỹ không có một thông điệp hay một lộ trình nào để kết thúc các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Moscow.

Hai tác giả người Mỹ thậm chí còn đánh giá, để đánh giá lại các biện pháp trừng phạt, Mỹ cần công nhận rằng Crimea sẽ là một phần của Nga. Qua chuyến đi thực tế tới Crimea, Ortblad và Mehta thừa nhận phần lớn dân số của bán đảo này luôn luôn là người Nga và họ đồng cảm với lịch sử đấu tranh chống lại sự xâm lược từ phương Tây của Nga.

Hai ông cho biết, ở mọi ngóc ngách thành phố cảng Sevastopol, có rất nhiều đài tưởng niệm không chỉ gợi nhắc về những mất mát to lớn trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng Crimea (1942-1944), mà còn cả cuộc xâm lược của Anh, Pháp và đế chế Ottoman năm 1854.

Hai tác giả người Mỹ thừa nhận, người dân ở Crimea sẽ không từ bỏ niềm kiêu hãnh của họ khi mang bản sắc Nga.

Không có thực lực, Nga khó có thể khiến người Mỹ tôn trọng

Bài viết kết luận: “Đây là thời điểm cần cải thiện quan hệ giữa Nga và phương Tây bằng một chính sách thực tế về Nga. Điều này sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn, điều mà các biện pháp trừng phạt của chúng ta hiện nay không thể làm được. Đã đến lúc cần hành động”.

Tuy nhiên, tiếng nói tương tự hai ông Ortblad và Mehta có lẽ không nhiều khi “bầu không khí bài Nga” ở Mỹ vẫn rất mạnh. Điển hình như đánh giá mới đây của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) Mỹ với báo cáo nhấn mạnh Nga là “mối đe dọa đáng kể” đối với lợi ích của Mỹ.

Trong báo cáo thường niên “Chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ” của quỹ này, Nga đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở châu Âu.

Nga đang ưu tiên củng cố quân đội và tài trợ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất trong số các cường quốc hạt nhân. Báo cáo nhấn mạnh Nga “là một trong số ít các quốc gia có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ và các quốc gia đồng minh”.

Phong Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-lam-nguy-vi-doi-dau-nga-3390992/