Mỹ lặng lẽ rút hết 'pháo đài bay' B-52 khỏi đảo Guam

Không quân Mỹ đã lặng lẽ rút các máy bay ném bom B-52, vốn liên tục đồn trú trong 16 năm qua ở hòn đảo phía tây Thái Bình Dương. Khi 5 máy bay ném bom B-52 Stratofortress trở về Mỹ vào thứ Năm, không có máy bay nào đến để thay thế chúng. Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra lời giải thích.

Quang cảnh các máy bay quân sự của Mỹ đậu trên đường băng của căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam, lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 15 / 8 / 2017

Quang cảnh các máy bay quân sự của Mỹ đậu trên đường băng của căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam, lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 15 / 8 / 2017

Từ năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ mà họ gọi là hiện diện máy bay ném bom liên tục (CBP), duy trì một phi đội ném bom chiến lược trên biển Philippines. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau 16 năm, không có máy bay ném bom nào của Mỹ trên đảo Guam.

Trang theo dõi máy bay trực tuyến AirplaneSpots đã báo cáo về sự ra đi của 5 máy bay ném bom B-52H Stratofortress từ căn cứ không quân Andersen hôm thứ Năm, nhưng theo The War Zone, chưa có máy bay nào đến để thay thế chúng. Bên cạnh B-52, Không quân Mỹ trước đây đã bố trí các máy bay ném bom B-1B Lancer và B-2 Spirit, loại có khả năng mang vũ khí hạt nhân, giống như B-52.

Sự việc này càng đáng chú ý hơn kể khi các máy bay phản lực khổng lồ B-52H tham gia vào một buổi trình diễn vũ lực thường được gọi là “voi đi bộ” vào đầu tuần này - mặc dù không có màn cất cánh nhanh chóng của từng máy bay như thường thấy.

Thiếu tá Không quân Mỹ Kate Atanasoff, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM), nói với The War Zone rằng các máy bay ném bom của Mỹ sẽ tiếp tục “hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ một loạt các địa điểm hải ngoại rộng lớn hơn theo thời điểm và cường độ do chúng tôi lựa chọn”.

Khi nhiệm vụ CBP bắt đầu vào năm 2004, Mỹ đang tập trung tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và đã đổ quân vào Iraq năm trước đó. Mỹ cũng đang gây áp lực lớn với CHDCND Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán sáu bên trong nỗ lực ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân đang phát triển của nước này. Chỉ hai năm sau, Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vạch ra sự thay đổi chiến lược mới, chuyển từ cuộc chiến chống khủng bố sang cuộc cạnh tranh chiến lược “đa quốc gia” với Nga và Trung Quốc, và chỉ vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng và Washington bắt đầu nói chuyện nghiêm túc về hòa bình lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Theo Atanasoff, việc chuyển các máy bay ném bom ra khỏi đảo Guam phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia mới.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/my-lang-le-rut-het-phao-dai-bay-b52-khoi-dao-guam-1643975.tpo