Mỹ lập căn cứ quân sự ở đảo Síp: Nhằm vào ai?

Chính khách Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này không chấp nhận việc Mỹ lập căn cứ quân sự ở đảo Síp, cung cấp vũ khí cho Síp và Hy Lạp.

Theo giới học giả Thổ Nhĩ Kỳ, về vấn đề giải quyết căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp và đảo Sip (Cyprus) ở Địa Trung Hải, Hoa Kỳ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng biện pháp ngoại giao, nhưng Washington lại có những động thái quân sự hóa gây gia tăng căng thẳng ở vùng biển này.

Theo ông Celalettin Yavuz, cố vấn Chủ tịch IPA (Đảng hành động chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ) về chính sách đối ngoại và an ninh, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Síp và công bố kế hoạch thiết lập "căn cứ quân sự" trên đảo là hành động gia tăng căng thẳng.

Ông Celalettin Yavuz trước đây là thuyền trưởng cấp 1 của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu, hiện là tiến sĩ khoa học chính trị, giáo sư tại Đại học Ayvansaray, Istanbul. Vị chính khách này nhấn mạnh, không thể cho phép cách tiếp cận như vậy và không thể chấp nhận lập luận của Mỹ về việc trang bị vũ khí cho người Síp và Hy Lạp.

Vi chính khách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, người ta có cảm giác rằng Hoa Kỳ đang nhầm Thổ Nhĩ Kỳ với một đứa trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị lừa. Một mặt, Mỹ cung cấp vũ khí cho người Síp- Hy Lạp, dỡ bỏ lệnh cấm vận và thúc đẩy họ tiến tới quân sự hóa, mặt khác, lại tuyên bố sự cần thiết phải thiết lập cuộc đối thoại, các sáng kiến ngoại giao hòa bình trong khu vực.

“Washington đang kêu gọi ai? Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, chính Thổ Nhĩ Kỳ luôn nỗ lực sử dụng các biện pháp ngoại giao, khác với những phía ngược lại. Hành động, giọng điệu và lập trường hai mặt của Mỹ về vấn đề này là không thể chấp nhận được đối với Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Yavuz nói.

Máy bay tiêm kích Tornado GR4 của Anh tại căn cứ Akrotiri

Trong khi nhắc lại rằng, sau vụ khủng bố 11/9/2001, Hoa Kỳ đã thực hiện một số biện pháp chống khủng bố trên quy mô toàn cầu ở cấp độ Liên hợp quốc và NATO, ông Yavuz nhấn mạnh, quyết định thành lập trung tâm đảm bảo an ninh ở Síp về cơ bản khác với các biện pháp của thời kỳ đó.

Sau vụ tấn công Tháp Đôi và Lầu Năm Góc ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ đã thực hiện một số biện pháp toàn cầu rất cứng rắn để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển, hải cảng, vận tải hàng không và các vùng lãnh thổ của mình.

Theo quy định của Mỹ, các tàu thương mại tiếp cận biên giới của Mỹ được yêu cầu cung cấp thông tin cho các cảng ở tần suất nhất định. Hơn nữa, dựa trên những dữ liệu này, họ có thể được phép vào cảng hoặc không.

Tương tự, theo sáng kiến của Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO ở Đông Địa Trung Hải, nhóm "Active Endeavour", bao gồm các tàu nổi, đã được thành lập. Các nước NATO, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, định kỳ gửi tàu của họ đến đây. Bằng cách đó giám sát xem có những kẻ khủng bố trong số đối tượng khả nghi từ các con tàu rời khỏi kênh đào Suez, hoặc liệu đang có buôn lậu vũ khí, đạn dược, v.v. hay không cho mục đích khủng bố.

Tuy nhiên, tình hình với việc thiết lập cơ sở ở phần đảo Cyprus thuộc Hy Lạp, về cơ bản là một căn cứ quân sự, về bản chất lại khác.

Ông Celalettin Yavuz cho rằng, bước đi này không liên quan gì đến các biện pháp chống khủng bố và không thể giải thích bằng việc thực hiện chiến lược chống khủng bố.

Đảo Síp nằm ở phía đông Địa Trung Hải có vị trí chiến lược, bao quát tất cả các nước ven biển thuộc châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi như: Hy Lạp, Trung Quốc, Syria, Lebanon, Israel, Ai Cập, Libya… Hiện nay, ở Síp cũng đã có một căn cứ quân sự của Anh và Nga cũng đã đạt được thỏa thuận lập căn cứ không-hải quân trên hòn đảo này.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-lap-can-cu-quan-su-o-dao-sip-nham-vao-ai-3419128/