Mỹ lên kế hoạch quân sự đối phó với Trung Quốc

(Tổ Quốc)-Mỹ sẽ triển khai vũ khí tối tân đến Thái Bình Dương và chuẩn bị cơ sở quân sự dự phòng khi xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ bành trướng Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ triển khai các thiết bị quân sự tối tân đến Thái Bình Dương. Việc Mỹ tăng cường hỏa lực tại Biển Đông là nhằm chống đà quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, ông Ashton Carter từng khẳng định Mỹ không chấp nhận từ bỏ vai trò thống lĩnh tại Thái Bình Dương đã tồn tại từ lâu. Ông này nói: “Chúng tôi không tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nhưng cũng không muốn ai đó thống trị khu vực này và chắc chắn cũng không để cho bất kỳ ai đẩy Mỹ ra khỏi khu vực”.

Đài SBS của Úc đưa lại nhận định của Joseph Dunford, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Trung Quốc lên kế hoạch gia tăng quân sự hóa Biển Đông nhằm chống lại Mỹ. Các động thái gần đây của Trung Quốc có mục đích “ngăn cản Mỹ tự do đi lại hay tiến hành các chiến dịch trong khu vực Thái Bình Dương”. Trong bối cảnh đó, ông Dunford cho hay Mỹ sẽ dành một ngân sách đặc biệt, để“tập trung phát triển khả năng cho phép duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc”. Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ “ưu tiên triển khai các năng lực hiện đại nhất cho khu vực Thái Bình Dương”, như đưa các chiến đấu cơ tân tiến F-35 và F-22.

Máy bay cường kích F-35 - át chủ bài của không lực Hoa Kỳ - sẽ được điều sang Thái Bình Dương để cân bằng với hoạt động quân sự của Trung Quốc

F-35 là chương trình vũ khí tốn kém nhất mà ngành công nghiệp quân sự Mỹ từng thực hiện và đang được sản xuất dù nhiều khía cạnh quan trọng trong chương trình vẫn còn phải phát triển thêm do còn sai sót kỹ thuật. Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 để trang bị cho quân đội Mỹ. Các quốc gia khác như Anh, Italy, Úc và Nhật Bản cũng đã đặt mua hàng trăm chiếc.

Là máy bay tàng hình, chiếc F-22 đầu tiên được đặt tên là Raptor (có nghĩa là chim ăn thịt). Hãng Lockheed Martin đang có chương trình nghiên cứu để chế tạo ra phiên bản tấn công mặt đất chuyên dụng cho F-22 là FB-22 với cánh delta, tầm bay xa và khả năng mang đến 15.000kg vũ khí (trong đó có 4.500 kg được treo bên ngoài) và phiên bản F-22N có thể sử dụng trên tầu sân bay.

Kế hoạch căn cứ dự phòng của Mỹ

Các căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương không còn an toàn trước nguy cơ một cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Theo báo National Interest ngày 26/2, Mỹ sẽ tận dụng lại các căn cứ dự phòng ở Thái Bình Dương để đề phòng trường hợp các căn cứ chính ở khu vực trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra đối đầu với Trung Quốc.

Theo một tài liệu của Công ty RAND – tổ chức cố vấn cho Lầu Năm Góc – “trong trường hợp xấu nhất, các cuộc tấn công với độ chính xác ngày càng cao, quy mô ngày càng lớn sẽ gây tổn thất lớn cho các căn cứ không quân của Mỹ”. Căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) sẽ là mục tiêu thiệt hại lớn nhất do ở cự ly tương đối gần Trung Quốc. Trong khi đó, tháng 9/2015, Trung Quốc đã trình diễn tên lửa đạn đạo DF-26 có thể tấn công căn cứ Andersen ở đảo Guam, cách Trung Quốc đại lục gần 4.800km.

Guam là căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, được cả hải quân và không quân Mỹ sử dụng, với số lượng binh sĩ khổng lồ và những thiết bị, vũ khí hiện đại. Nó có vai trò không khác gì một “tàu sân bay khổng lồ”. Căn cứ không quân tại Guam chứa những máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất như B-52H, B-1B, B-2A.

Andersen và Kadena là 2 trong số các căn cứ quân sự lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ ở nước ngoài. Tinian, một đảo nhỏ gần đảo Guam, nổi lên là một trong những vị trí được Không quân Mỹ lựa chọn để đặt căn cứ dự phòng. Ngày 10/2, Không quân Mỹ chính thức tuyên bố lựa chọn Tinian làm địa điểm chuyển hướng trong trường hợp tiếp cận sân bay Andersen, hay các địa điểm khác ở tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc không thể tiếp cận.

Saipan Tribune cho biết, trong dự chi ngân sách tài khóa 2017, Lầu Năm Góc đã đề xuất 9 triệu USD để mua hơn 7 hecta đất phục vụ các hoạt động chuyển hướng và sáng kiến tập trận ở khu vực này. Theo Không quân Mỹ, trong thời bình, căn cứ không quân Tinian mở rộng có thể cho phép đồn trú 12 máy bay tiếp dầu và các nhân viên hỗ trợ phục vụ hoạt động chuyển hướng. Hiện tại Tinian là một đảo yên bình mặc dù trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, sân bay Tinian là một trong những căn cứ quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trang tin Stars and Stripes cho biết, ban đầu, Không quân Mỹ muốn chọn Saipan, một khu vực rất gần đảo Tinian nhưng với dân số nhiều hơn gấp 15 lần và có sân bay, cảng biển lớn hơn, để đặt căn cứ không quân dự phòng. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động ở địa phương do ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng xung quanh. Hơn nữa, sân bay tại đây đã quá đông đúc, người dân địa phương không muốn mỗi năm có hàng trăm binh sỹ bay tới đây để tập trận. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ phân bố rải rác các căn cứ không quân để hạn chế rủi ro từ các cuộc tấn công tên lửa từ Liên Xô. Tuy nhiên, đến những năm 1990, khi mối đe dọa Xô Viết không còn và lại thêm ảnh hưởng do cắt giảm ngân sách, Mỹ chỉ tập trung vào các căn cứ lớn. Điều không ngờ là không đầy 2 thập kỷ, các căn cứ lại được hồi sinh để đối phó với một đối thủ mới là Trung Quốc./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/7/ho-so-quoc-te/140785/my-len-ke-hoach-quan-su-doi-pho-voi-trung-quoc.aspx