Mỹ lên 'Kế hoạch Thái Bình Dương mới' nhắm trọng tâm vào Trung Quốc

Truyền thông Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc đang xem xét xây dựng một 'lực lượng thường trực' - hiện diện hải quân lâu dài - ở Tây Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đang tăng tốc đối phó với Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Lầu Năm Góc đang tăng tốc đối phó với Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Ông Ely Ratner - người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng - đã phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện hôm 16/6 rằng "một thế trận tiền phương tác chiến đáng tin cậy" là điều cần thiết để "răn đe, và nếu cần thiết, sẽ được sử dụng để chống lại viễn cảnh tạo sự đã rồi".

Tuyên bố của ông Ratner được đưa ra khi truyền thông Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc đang xem xét xây dựng một "lực lượng thường trực" - hiện diện hải quân lâu dài - ở Tây Thái Bình Dương.

Theo ông Ratner, một lực lượng như vậy sẽ cần “các khái niệm tác chiến mới, các lực lượng hiện đại và sẵn sàng trực chiến có chất lượng cao, cùng các đồng minh và đối tác có đủ năng lực để đảm nhận thành thạo vai trò chiến đấu của họ”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison có vẻ đồng tình với ý kiến này. Trong một bài phát biểu ở Paris, ông đã kêu gọi một nỗ lực quốc tế nhằm tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “rộng mở, bao trùm, an toàn và kiên cường” và thúc đẩy một trật tự thế giới “ủng hộ tự do”.

Lực lượng đặc trách về Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đã một lần nữa đối đầu với nhau về vấn đề Biển Đông khi ông Ratner đưa ra tuyên bố trên. Trên đường tới Afghanistan, khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đi qua khu vực này, Bắc Kinh đã "thị uy" bằng một màn phô trương sức mạnh lớn nhất từ trước đến nay bằng một lực lượng tấn công gồm 28 máy bay, trong đó có máy bay điều khiển radar, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tầm xa.

Ông Ratner - người sẽ chịu trách nhiệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu được Thượng viện Mỹ xác nhận việc bổ nhiệm - cho biết ưu tiên của ông sẽ là “xem xét cẩn thận cán cân quân sự hiện tại trên eo biển Đài Loan để đảm bảo sự hợp tác quốc phòng của chúng ta với Đài Loan sẽ tương xứng với mối đe dọa đang đặt ra”.

Đó là công việc mà Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden đang đảm nhận.

Tháng 3 vừa qua, một đội đặc trách nằm dưới sự chỉ đạo của ông Ratner đã được thành lập để nghiên cứu tỉ mỉ các chính sách của Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc. Gần đây nhóm này đã đệ trình báo cáo của mình lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Theo truyền thông Mỹ, điểm mấu chốt trong số các khuyến nghị của nhóm này là tạo ra một "lực lượng hải quân thường trực" ở Tây Thái Bình Dương. Thông tin chi tiết về báo cáo này hiện vẫn chưa được công bố.

Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương (STANAVFORLANT) từng được thành lập để duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân ở các vị trí chiến lược trọng yếu. Lực lượng đặc nhiệm này gồm khoảng 6-8 tàu, duy trì hiện diện bằng cách luân phiên các tàu và có sự phối hợp với các đối tác đồng minh theo định kỳ khoảng 6 tháng.

Lực lượng này sẵn sàng phản ứng ngay lập tức khi khủng hoảng xảy ra và thực hiện các chuyến cập cảng thường xuyên để thể hiện và duy trì quan hệ ở khu vực.

Mỹ đang tập hợp đồng minh?

Việc xây dựng một lực lượng như vậy ở Tây Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi phải phân bổ lại tàu chiến, trang thiết bị, binh sỹ và cả ngân sách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thành lập một cơ quan quân sự quốc tế đặc biệt được giao nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc.

Nhà phân tích các vấn đề chiến lược Jerry Hendrix nói với tạp chí Politico rằng một Lực lượng thường trực Thái Bình Dương “hiệu quả” có thể sẽ bao gồm các đồng minh như Australia và Nhật Bản. Anh và Pháp - cả hai đều đang bày tỏ quan tâm nhiều hơn tới với khu vực này - cũng có thể đóng góp vai trò.

Tiến sĩ Hendrix cho rằng một lực lượng thường trực như vậy sẽ là một “sự răn đe vì nó thể hiện sự thống nhất của các bên trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với khái niệm tự do biển cả và tự do thương mại thông qua các yêu sách lãnh hải rộng lớn của mình”.

Điều đó dường như đang ngày càng rõ ràng hơn. Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây diễn ra ở Anh đã đưa ra một tuyên bố trong đó nêu lên những lo ngại về hành vi của Bắc Kinh đối với Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như các vấn đề Hong Kong và Tân Cương.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố rằng Mỹ "thực sự bị bệnh nặng". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, phát biểu: “G7 tốt hơn nên bắt mạch và kê đơn (cho Mỹ)… Điều đó cho thấy ý đồ thâm độc của Mỹ và một số ít các quốc gia khác nhằm tạo ra đối đầu và mở rộng những bất đồng và tranh chấp”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó đã nói rằng liên minh “lo ngại về các chính sách cưỡng chế của Trung Quốc, vốn trái ngược với các giá trị cơ bản được ghi trong Hiệp ước Washington”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố rõ ràng rằng ông phản đối sự hiếu chiến của Bắc Kinh. Ông Macron nói với Thủ tướng Australia: “Tôi muốn nhắc lại rằng Pháp vẫn cam kết bảo vệ sự cân bằng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như thế nào và chúng tôi coi mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Australia là điều cần thiết như thế nào trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Phát biểu này cũng tương tự như phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Johnson nói với truyền thông địa phương: “Chúng tôi kề vai sát cánh cùng bạn bè của mình. Tuy nhiên, tôi có thể nói thay cho cả ông Scott khi nói rằng không ai muốn rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc - chúng tôi không coi đó là con đường phía trước”.

(theo news.com.au)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-len-ke-hoach-thai-binh-duong-moi-nham-trong-tam-vao-trung-quoc-149107.html