Mỹ - Liên Xô/Nga và cuộc đua tên lửa hành trình: Bao giờ đến hồi kết?

Cuộc chạy đua chế tạo thế hệ tên lửa hành trình giữa hai cường quốc Liên Xô (trước kia), Nga (hiện nay) cùng với Mỹ luôn song hành và hết sức quyết liệt, chưa bao giờ có hồi kết.

Trong một thời gian dài, nhiều người vẫn nhầm tưởng, tên lửa hành trình là phát minh của người Mỹ và chỉ có quân đội Mỹ mới sở hữu thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm này; nhưng thực tế, tên lửa hành trình là phát minh của người Đức, đã được sử dụng trong Thế chiến II và cuộc chạy đua trong chế tạo tên lửa hành trình giữa hai cường quốc Liên Xô (trước kia), Nga (hiện nay) cùng với Mỹ luôn song hành và hết sức quyết liệt.

Việc giữ bí mật trong nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm tên lửa hành trình của Liên Xô và Nga rất cao; đến tận gần đây (năm 2015), khi các tàu chiến của Nga từ Hạm đội Biển Caspian phóng tên lửa hành trình Calibre vào các vị trí của quân khủng bố trên lãnh thổ Syria, thì giới quân sự mới có cái nhìn rõ hơn về chương trình tên lửa hành trình bí mật của Nga.

Trong quá khứ, thế giới biết đến nhiều về tên lửa của Liên Xô là qua cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962; hiện nay các tài liệu chỉ đề cập đến việc Liên Xô triển khai các loại tên lửa đạn đạo tầm trung R-14 và R-12, nhưng trên thực tế, Liên Xô khi đó còn bí mật chuyển đến Cuba tên lửa hành trình Sao băng, các hệ thống tên lửa phòng không S-75, tên lửa chiến thuật tầm ngắn Luna và Sopka.

Sau Thế chiến 2, Tổng công trình sư tài năng Vladimir Chelomey đã nhận ra tiềm năng to lớn của tên lửa hành trình và đã được Bộ Quốc phòng Liên Xô khi đó rất ủng hộ. Sau chương trình tên lửa Sao băng (mà thực chất là bản sao tên lửa hành trình V-1 của Đức, có sửa đổi phần động cơ), chương trình phát triển tên lửa hành trình tiếp theo của Liên Xô được biết đến dưới mã P-5; Năm 1954, Văn phòng số 52 được giao phát triển tên lửa hành trình chống hạm P-5 và chỉ sau đó một năm, mẫu thử nghiệm đã hoàn thành.

Năm 1955, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã lệnh cho Phòng thiết kế số 52, chế tạo 40 mẫu tên lửa thử nghiệm P-5 với các biến thể phóng từ mặt đất, tàu mặt nước và tàu ngầm. Tên lửa P-5 được thông qua vào năm 1959 và chính thức đưa vào biên chế từ năm 1962, được trang bị trên các tàu mặt nước của Hải quân Liên Xô. Sau này lịch sử quân sự thế giới ghi nhận, tên lửa hành trình P-5 là loại tên lửa hành trình chống hạm đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng. Tên lửa P-5 có những khác biệt đáng kể so với tất cả các tên lửa thời bấy giờ, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh chính là tên lửa P-10, được phát triển bởi Cục thiết kế Taganrog do Tổng công trình sư Georgy Beriev chủ trì.

Tên lửa hành trình chống hạm P-5 cũng là nguyên mẫu phát triển nhiều loại tên lửa hành trình của Liên Xô và Nga sau này, trong đó có cả loại tên lửa hành trình nổi tiến hiện nay của Nga là Caliber; cũng chính chương trình phát triển tên lửa hành trình P-5 là nơi đặt nền móng, đào tạo nguồn nhân lực phát triển tên lửa hành trình của Liên Xô. Biến thể nâng cấp tiếp theo của tên lửa P-5 là P-35 4K44 và P-6 4K88, được đưa vào sử dụng trong những năm của thập niên 1960.

Về phía Mỹ, năm 1977, hải quân Mỹ đưa vào biên chế tên lửa chống hạm Harpoons và năm 1983, tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk được đưa vào biên chế trong hải quân Mỹ; tuy nhiên các loại tên lửa hành trình của Mỹ đều là các loại tên lửa hành trình tầm xa và có mức độ chính xác rất cao, nguyên lý hoạt động cũng khác xa với tên lửa hành trình V-1 của Đức quốc xã.Tên lửa hành trình Tomahawk cũng là loại tên lửa có nhiều thành tích thực chiến nhất, tên lửa có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân; Tomahawk sử dụng động cơ hành trình nhiên liệu lỏng, tốc độ bay cận âm, có khả năng "tàng hình" cao, nhờ khả năng bay thấp, bám địa hình, nên khó bị phát hiện bằng radar.

Do có tầm bắn xa, mức độ chính xác cao, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, nên tên lửa Tomahawk thường được dùng để khai hỏa các cuộc chiến, mục tiêu thường nhằm vào các trung tâm chỉ huy, các đài radar, các trận địa phòng không nguy hại; loại bỏ hoặc làm tê liệt chỉ huy; tạo điều kiện cho các lực lượng không quân khác bước vào chiến đấu.

Từ đặc điểm này, người Mỹ gắn cho Tomahawk biệt danh: “Sứ giả chiến tranh”. Mặc dù với khả năng kỹ, chiến thuật cao như vậy, nhưng tên lửa Tomahawk cũng không thể sử dụng ồ ạt được, do giá thành cao (khoảng 1,6 triệu USD/ quả), đồng thời việc bảo dưỡng, sử dụng cũng rất phức tạp.

Việc sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk hay Calibre để tiến công "phẫu thuật" đối phương, là bước tiến dài đối với quân đội Mỹ và Nga; làm thay đổi chiến thuật sử dụng lực lượng, làm cho quân đội các nước phải tính toán lại trong chiến lược xây dựng thế trận phòng thủ của quốc gia mình.

Trong lịch sử phát triển tên lửa hành trình của cả Liên Xô và Mỹ, đều bắt đầu bằng sao chép mẫu tên lửa hành trình của Đức quốc xã; trong lĩnh vực tên lửa hành trình, chỉ riêng Nga đã có 20 mẫu tên lửa hành trình các loại, với đủ các phiên bản phóng từ mặt đất, trên không, tàu nổi và tàu ngầm.

Một thế hệ mới của tên lửa hành trình, có tốc độ siêu vượt âm như loại Dagger, Zircon của Nga hay tên lửa hành trình siêu thanh X-51A Waverider đang được phát triển ở Mỹ; những loại tên lửa này có thể dễ dàng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa, gây nên mối lo ngại của tất cả các bên. Và cuộc đua chế tạo tên lửa hành trình vẫn tiếp diễn giữa Nga và Mỹ mà chưa có hồi kết.

Nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm X-51A Waverider của Mỹ lắp dưới cánh máy bay B-52 để tiến hành thử nghiệm.

Theo Tiến Minh/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-lien-xo-nga-va-cuoc-dua-ten-lua-hanh-trinh-bao-gio-den-hoi-ket/20191215125332545