Mỹ lộ bài vụ bắt sếp tài chính Huawei?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể can thiệp vụ bắt Sếp Huawei nếu thấy có lợi cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Hôm 11/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu lên tiếng về vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu. Theo đó, ông Trump cho rằng, ông có thể can thiệp vào vụ việc này nếu điều đó có lợi cho cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Trump nói ý đồ bắt sếp Huawei để "đặt" lên bàn đàm phán thương mại. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump nói ý đồ bắt sếp Huawei để "đặt" lên bàn đàm phán thương mại. Ảnh: Reuters

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, ông Trump nhấn mạnh: "Điều gì là tốt cho nước Mỹ, thì tôi sẽ làm. Nếu tôi nghĩ là nó có ích cho thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, một vấn đề rất quan trọng và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ, tôi sẽ can thiệp nếu thấy cần thiết”.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Nhà Trắng đã liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ lẫn các quan chức Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ việc.

"Phía họ vẫn chưa gọi điện cho tôi. Họ có trao đổi với người của tôi, nhưng chưa trực tiếp gọi tôi", ông Trump cho biết.

Tuyên bố của ông Trump càng khiến dư luận nghi ngờ ý định sử dụng vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cho mục đích đàm phán thương mại.

Còn nhớ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trước đó đã bất ngờ nói rằng, liên quan tới vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu, Nhà Trắng đã biết về việc này song để ngỏ ý định sẽ dùng đây làm đòn bầy trong cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc.

Cũng cần chú ý thêm, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt ngay vào ngày Trung Quốc và Mỹ tiến hành cuộc đàm phán thương mại.

Bà Mạnh được Tòa án tại Canada chấp nhận cho tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (7,5 triệu USD). Tòa án Canada cũng sẽ xem xét đề nghị dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

"Tôi hài lòng rằng dựa trên một số yếu tố của vụ việc, cụ thể là bà Mạnh là một nữ doanh nhân có học thức không có tiền án và một số người cũng chứng minh nhân cách tốt của bà, thì nguy cơ từ việc bà được tại ngoại có thể giảm xuống một mức độ chấp nhận được" - Thẩm phán William Ehrcke nói về quyết định của tòa.

Bà Mạnh và chồng sẽ chịu trách nhiệm chi trả 7 triệu CAD tiền bảo lãnh, và 3 triệu CAD còn lại sẽ do những người quen biết bà chi trả. Sau khi hoàn thành thủ tục giấy tờ của tòa án, bà Mạnh sẽ được trả tự do.

Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh sẽ chịu sự giám sát của 2 nhân viên bảo vệ và một tài xế cùng với thiết bị định vị GPS 24/24. Bà cũng sẽ bị giới nghiêm trong khoảng từ 23h đến 6h sáng hôm sau, thẩm phán cho biết.

Cho tới nay bà Mạnh đã bị giam giữ trong 10 ngày liên tiếp. Lần ra tòa tiếp theo của bà dự kiến diễn ra vào ngày 6/2.

Không lâu sau phán quyết của Tòa án, Tập đoàn Công nghệ Huawei đã phát đi thông cáo, khẳng định họ "tuân thủ mọi luật lệ và quy định phù hợp tại các nước và khu vực mà chúng tôi hoạt động, bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu".

"Chúng tôi trông đợi một giải pháp kịp thời cho vấn đề này", thông cáo nêu.

Cựu ngoại giao Canada mất tích tại Trung Quốc

Trong một diễn biến khác, ông Michael Kovrig, cựu viên chức ngoại giao của Canada tại Bắc Kinh, cố vấn cấp cao phụ trách Đông Bắc Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) đã được thông báo mất tích khi đang ở Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ An toàn Công cộng Canada Ralph Goodale ngày 11/12 xác nhận việc này và cho biết Canada đang rất quan ngại.

Ông - Michael Kovrig Cố vấn cấp cao người Canada thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế bị mất tích ở Trung Quốc.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc. Một người Canada rõ ràng đang gặp khó khăn tại Trung Quốc… Chúng tôi sẽ không từ nỗ lực nào vì sự an toàn cho ông ấy” – Fox News dẫn lời ông Goodale.

Theo ông Goodale thì thời điểm này chưa có dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy chuyện ông Kovrig bị Trung Quốc bắt có liên quan đến chuyện Canada bắt bà Mạnh. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ việc khiến nhiều người suy nghĩ hai vụ việc có liên quan.

Trong khi đó, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cáo buộc rằng, Trung Quốc đã bắt giữ ông Michael Kovrig nhằm trả đũa lại vụ việc Canada bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu.

Vụ việc làm dấy lên lo ngại về sự trả đũa đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.

Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012 - ông David Mulroney cho biết, không hoài nghi việc Trung Quốc bắt giữ cựu ngoại giao để trả đũa. Ông cũng viện dẫn vụ việc Kevin và Julia Garratt, một cặp vợ chồng người Canada, bị phía Bắc Kinh giam giữ vào năm 2014, ngay sau khi Ottawa bắt giữ một công dân Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Sau 30 năm sinh sống ở Trung Quốc mà không gặp sự cố nào, hai vợ chồng Garratt đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào tháng 8/2014 và bị buộc tội gián điệp và ăn cắp bí mật quân sự. Cả hai người đều từ chối mọi tội danh bị cáo buộc.

Người vợ Julia được trả tự do vào tháng 2/2015 nhưng vẫn bị kiểm soát hạn chế và đến tháng 5/2016 mới có thể quay trở về Canada. Trong khi đó, người chồng Kevin được trả tự do vào tháng 9/2016.

Hiện, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Trung Quốc chưa có phản hồi về những cáo buộc nói trên.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-lo-bai-vu-bat-sep-tai-chinh-huawei-3370890/