Mỹ lo tên lửa PL-15 đánh bại cả F-22 lẫn F-35

Theo chuyên gia Mark Episkopos, với tên lửa đối không thế hệ mới PL-15, tiêm kích Trung Quốc có thể đe dọa cả F-22 và F-35.

Nhận định trên được vị chuyên gia hàng đầu của Mỹ nói đến trong bài viết đăng tải trên tạp chí Defense News, điều khiến Không quân Mỹ lo ngại cho số phận tiêm kích F-35 và F-22 là bởi tên lửa PL-15 được trang bị đầu dò radar tinh vi và động cơ mạnh mẽ, giúp nó có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 100km hoặc xa hơn nữa.

Chuyên gia Mark Episkopos cho biết: "Hãy quan sát đối thủ của chúng ta và thứ mà họ đang phát triển, những vũ khí như PL-15 và tầm bắn của tên lửa này". Những lo ngại của vị chuyên gia này được đưa ra cùng ngày với thông tin Trung Quốc thử nghiệm thành công với PL-15.

Điều khiến Bộ Tư lệnh tác chiến không quân Mỹ lo ngại không chỉ là khả năng của PL-15. Một vấn đề khác được cho là khá nghiêm trọng là mỹ không biết Không quân Trung Quốc có thể phóng bao nhiêu tên lửa PL-15 trong 1 lần?

Trong khi đó, Thiếu tá Michael Meridith, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ cho biết: "Chúng tôi quan tâm nhiều đặc tính của PL-15, như tải trọng, hệ thống dẫn đường, loại đầu đạn, khả năng di chuyển, đối phó với các biện pháp đối kháng, độ tin cậy, tốc độ, tầm bắn… và các khả năng khác của nó".

Đáng lưu ý là nhờ được nâng cấp, tiêm kích J-11 có thể mang tới 14 tên lửa, gồm 12 tên lửa cỡ như PL-15 và 2 tên lửa nhỏ hơn. Trong khi đó, với cấu hình thông thường, tiêm kích F-22 của Mỹ chỉ mang được tối đa 6 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa Sidewinder với tầm bắn ngắn hơn. Đặc biệt những tên lửa này của Mỹ lại có điểm yếu là rất dễ bị gây nhiễu bằng công nghệ DRFM.

Theo nhận định của Mark Episkopos, đây chính là lý do khiến thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ tập trung vào khả năng tàng hình để tránh bị radar đối phương phát hiện. Công nghệ tàng hình mang lại lợi thế trong một số tình huống nhất định nhưng trong cuộc đối đầu trực diện, nó sẽ gây ra bất lợi về số lượng vũ khí. Như trong trường hợp F-22 với J-11, tiêm kích của Mỹ thua kém đối thủ Trung Quốc tới 6 tên lửa.

Tình huống còn tệ hơn khi do chi phí cao, Không quân Mỹ chỉ trang bị 195 chiếc F-22. Trong khi đó, Trung Quốc có không dưới 300 tiêm kích giá rẻ J-11 và còn có thêm hàng trăm máy bay chiến đấu J-10 cùng nhiều loại chiến đấu cơ khác. Không quân Mỹ hài lòng với khả năng mang ít vũ khí hơn của F-22, bởi họ cho rằng khả năng tránh bị phát hiện sẽ giúp máy bay khó bị tấn công hơn, từ đó vô hiệu hóa phần nào lợi thế hỏa lực của đối phương.

Tuy nhiên, Không quân Mỹ có quá ít máy bay F-22. Và quyết định ngưng sản xuất F-22 mà Lầu Năm Góc đưa ra năm 2009 có thể là sai lầm lớn nhất từ trước đến nay. Để duy trì ưu thế trước quân đội Trung Quốc và các đối thủ tiềm năng khác, Lầu Năm Góc có kế hoạch trang bị hàng trăm chiến đấu cơ thế hệ mới F-35. Song, với cấu hình tàng hình, F-35 thậm chí còn mang được ít tên lửa hơn cả F-22, với chỉ 2 tên lửa AIM-120.

Đây chính là những lý do Mỹ cảm thấy bất an khi Trung Quốc đang phát triển nhiều loại tên lửa đối không cực hiện đại, trong đó có PL-15 vừa thử nghiệm thành công. Đặc biệt khi chúng được trang bị trên cả tiêm kích tàng hình J-20 và J-31. Ảnh trong bài: Tên lửa PL-15 và F-35. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-lo-ten-lua-pl-15-danh-bai-ca-f-22-lan-f-35-3382323/