Mỹ: Lúa mỳ lai - chìa khóa đảm bảo sản lượng lương thực

Loại lúa mỳ lai của Tập đoàn Syngenta (Trung Quốc) dự kiến sẽ được trồng trên diện tích 2.000-2.800ha tại Mỹ vào năm tới và nhân giống bằng cách ngăn chặn quá trình tự thụ phấn tự nhiên của cây trồng.

Các lô thử nghiệm của các dòng lúa mỳ lai khác nhau được trồng tại trang trại nghiên cứu của công ty công nghệ sinh học Syngenta gần thành phố Junction, Kansas, Hoa Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Các lô thử nghiệm của các dòng lúa mỳ lai khác nhau được trồng tại trang trại nghiên cứu của công ty công nghệ sinh học Syngenta gần thành phố Junction, Kansas, Hoa Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Reuters, nông dân Mỹ đang được tiếp cận một giống lúa mỳ mới không biến đổi gene do Tập đoàn nông nghiệp Syngenta (Trung Quốc) phát triển, trong bối cảnh các nhà sản xuất hạt giống hàng đầu thế giới tìm cách tăng năng suất cây trồng khi nguồn cung ngũ cốc sụt giảm.

Loại lúa mỳ lai của Syngenta dự kiến sẽ được trồng trên diện tích 2.000ha đến 2.800ha tại Mỹ vào năm tới. Trong khi đó, các hãng công nghệ sinh học BASF và Bayer AG của Đức cũng đang lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm lúa mỹ lai của mình vào cuối thập niên này.

Các nhà nhân giống cây trồng phát triển lúa mỳ lai bằng cách ngăn chặn quá trình tự thụ phấn tự nhiên của cây trồng. Thay vào đó, họ trồng lúa mỳ cái và lúa mỳ đực thuộc 2 dòng khác nhau trên cùng một cánh đồng để thụ phấn tạo ra giống lúa mì lai cho năng suất cao hơn và khả năng thích ứng với môi trường tốt hơn 2 giống lúa gốc.

Việc sử dụng phương pháp lai tạo này cho phép các nhà nhân giống cây trồng lựa chọn những đặc điểm ưu tú nhất của 2 hạt giống gốc để tạo ra một thế hệ lai vượt trội hơn. Các công ty sản xuất hạt giống cho biết bằng kinh nghiệm nhân giống ngô lai và lúa mạch lai, họ đã phát triển thành công lúa mỹ lai.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ năm 1930 (khi ngô lai bắt đầu được trồng) đến giữa những năm 1990, sản lượng ngô trung bình ở Mỹ đã tăng 600%, trong khi sản lượng lúa mỳ tăng gấp 2,5 lần.

Việc đưa lúa mỳ lai ra thị trường mất nhiều thời gian hơn vì quá trình phát triển lúa mỹ lai tốn kém và phức tạp hơn. Theo các nhà nghiên cứu, lúa mỳ lai có thể là chìa khóa để tăng sản lượng lúa mỳ đồng thời tránh được những quan ngại về sức khỏe người tiêu dùng như với các loại cây trồng biến đổi gene.

Hạt giống ngô và đậu nành biến đổi gene đã có mặt trên thị trường từ năm 1996 và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trên các cánh đồng ở Mỹ, Brazil và Argentina - những nhà cung cấp lương thực hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lúa mỳ biến đổi gene chưa bao giờ được trồng với mục đích thương mại do người tiêu dùng lo ngại khả năng có các chất gây dị ứng hoặc độc tính./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/my-lua-my-lai-chia-khoa-dam-bao-san-luong-luong-thuc/837313.vnp