Mỹ mất cả chì lẫn chài ở Syria

Mỹ không những mất đi vùng đất giàu tài nguyên mà còn mất luôn cả đồng minh quan trọng ở Syria.

Ngày 14/10, chính phủ Syria đã điều động quân đội dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để giúp những chiến binh người Kurd chống lại cuộc tấn công quân sự của Ankara vào miền Bắc nước này.

Theo SANA, khi quân đội Syria tiến vào khu vực Tal Tamr cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20km, nhiều người dân địa phương tại đây đã tập trung hai bên đường chào mừng lực lượng chính phủ.

Quân đội Syria đã được người dân ở khu vực Aleppo chào đón và bày tỏ sự tin tưởng rằng lực lượng quân đội Syria có thể bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là hình ảnh hiếm thấy kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria diễn ra các đây 8 năm.

Người Kurd chào đón quân đội Syria.

Người Kurd chào đón quân đội Syria.

Cộng đồng quốc tế thường nghĩ rằng, người Kurd muốn tự trị, thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Assad. Vì thế sự xuất hiện của quân đội Syria ở miền bắc Syria là điều mà họ không hề mong muốn.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sau khi bị bỏ rơi một cách nghiệt ngã, người Kurd dần hiểu ra được bản chất của Mỹ. Bị Thổ dồn vào bước đường cùng, người Kurd cầu cứu, không một ai đáp trả ngoại trừ Tổng thống Assad.

Một khi chính phủ Syria và người Kurd bắt tay với nhau thì toàn bộ vùng đất giàu tài nguyên phía đông sông Euphrates mà Mỹ tốn bao công sức giải phóng khỏi quyền kiểm soát của IS sẽ trở về với đất nước Syria.

Giới quan sát tin rằng, Lực lượng Dân chủ Syria và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ sớm có được tiếng nói chung dưới sự bảo trợ của Nga. Khi ấy, Mỹ không những mất đi vùng đất giàu tài nguyên mà còn mất luôn cả đồng minh quan trọng ở Syria.

Trở lại với tình hình chiến trường hiện tại, việc quân đội Syria tiến vào khu vực do người Kurd kiểm soát 8 năm qua có thể củng cố thêm uy tín và quyền lực của Tổng thống Assad, song cũng làm dấy lên nguy cơ đối đầu trực diện giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma - ông Joshua Landis cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu áp lực mạnh mẽ khi quân đội Syria tiến về phía Bắc.

"Damascus sẽ cố gắng lấy lại các mỏ dầu khí vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế Syria, cùng đập Tabqa mà người Mỹ và người Kurd đang nắm giữ. Ngoài ra, khu vực này cũng là vùng đất nông nghiệp chính vì có sông Euphrates chảy xuống.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Syria, Bashar Assad, sẽ cần sử dụng các kỹ năng ngoại giao điêu luyện của mình để tránh châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia", ông Landis nhận định.

Đối với Nga, sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, vị thế của Nga ở Trung Đông đã được gia tăng đáng kể. Nga là quốc gia duy nhất hiện nay có thể nói chuyện với nhiều nước khác trong khu vực.

Moscow giữ vai trò không thể thiếu trong việc dung hòa các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với chính phủ Syria cũng như giữa Lực lượng Dân chủ Syria với chính quyền Tổng thống al-Assad.

Nga đã nhận ra cơ hội quý giá trong chiến dịch quân sự của Ankara, đó là đẩy quân đội Mỹ khỏi khu vực đông bắc Syria và tăng cường sức ảnh hưởng của mình. Một khi dung hòa được mối quan hệ giữa các bên, Nga hoàn toàn có thể kết thúc được chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria từ năm 2015.

Thành Chung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-mat-ca-chi-lan-chai-o-syria-3389489/